Xã Trần Phú dồn lực về đích nông thôn mới kiểu mẫu
Trần Phú là một trong 6 xã của huyện Chương Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Từ những thành công trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Trần Phú đang dồn lực, quyết tâm “về đích” nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024, với phương châm "làm đến đâu chắc đến đó”.
Thuộc vùng bán sơn địa, Trần Phú là xã duy nhất của huyện Chương Mỹ có đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Là xã có nền kinh tế thuần nông, nhu cầu đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng lớn, Trần Phú gặp nhiều khó khăn khi đăng ký hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2024. Cụ thể, một số tuyến giao thông nông thôn, nội đồng bị hư hỏng, xuống cấp; một số công trình văn hóa chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp; tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự do giáp ranh nhiều địa phương...
Tuy nhiên, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trần Phú đã triển khai nhiều giải pháp. Bí thư Đảng ủy xã Trần Phú Trần Văn Khải cho biết, ngay từ đầu năm 2024, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. UBND xã đã xây dựng kế hoạch, đề ra nhiệm vụ cụ thể cho từng tháng, từng quý. Trên cơ sở bộ Tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Trần Phú đã lựa chọn 2 lĩnh vực: Y tế và giáo dục để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, xã Trần Phú phát động phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”...
Thực tế từ đầu năm 2024 đến nay, xã Trần Phú phối hợp với các tổ chức tín dụng, hỗ trợ người dân vay hơn 31 tỷ đồng mở rộng các nghề sẵn có ở địa phương, như: Xay xát, chế biến nông sản, lâm sản, kinh doanh dịch vụ; phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung xa khu dân cư... Tính đến cuối tháng 8-2024, thu nhập của người dân trên địa bàn xã Trần Phú đạt 79,6 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, xã Trần Phú hiện không còn hộ nghèo, chỉ còn 19 hộ cận nghèo...
Cùng với phát triển kinh tế, các ngành, đoàn thể của xã phối hợp với các đơn vị của huyện Chương Mỹ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Nhiều câu lạc bộ thể dục, thể thao của xã, của thôn được thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Về cơ sở hạ tầng, xã Trần Phú đã huy động được hơn 300 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và nhân dân tự nguyện đóng góp để xây dựng trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, đường giao thông... Trạm Y tế xã hiện có 21 phòng chức năng, 10 y sĩ, bác sĩ, trang bị đầy đủ thiết bị y tế, đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh thông thường, chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng... Bốn trường thuộc 3 cấp học trên địa xã được đầu tư và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên.
Cùng với nhiệm vụ trên, xã Trần Phú tập trung xây dựng mô hình thôn thông minh tại thôn Trung Tiến. Ở thôn này, xã Trần Phú đã đầu tư lắp đặt wifi, máy tính kết nối mạng internet tại nhà văn hóa; thành lập tổ công nghệ số cộng đồng. Thôn Trung Tiến đã xây dựng fanpage “Trung Tiến quê tôi” với gần 500 lượt người theo dõi. Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên xã Trần Phú tập trung hướng dẫn đoàn viên, người dân kiến thức về chuyển đổi số, từng bước hình thành công dân số...
Chủ tịch UBND xã Trần Phú Nguyễn Văn Long cho biết, qua rà soát, đánh giá trong tháng 8 vừa qua, xã đã đạt số điểm cần thiết để hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu...
Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân Trần Phú khi trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới mong muốn các cấp, các ngành của huyện Chương Mỹ và thành phố Hà Nội điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để xã phát triển du lịch sinh thái, tâm linh; sản xuất nông nghiệp sạch, chuyên canh hàng hóa, hoa, cây cảnh; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt về xã; tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó có 10,8km giao thông nông thôn, 34,4km giao thông nội đồng...