Bên hài lòng, phía hậm hực
Chuyến đi Mông Cổ vừa rồi của Tổng thống Nga Vladimir Putin không chỉ đơn thuần là chuyện kỷ niệm một sự kiện lịch sử; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước láng giềng mà còn là chuyện chính trị thế giới.
Bối cảnh tình hình chính trị an ninh và quan hệ quốc tế hiện tại trên thế giới, đặc biệt ở châu Âu, làm cho mối quan hệ song phương này được chú ý đến nhiều hơn.
Ở vị trí địa lý nằm giữa Nga và Trung Quốc, có mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp với cả Nga và Trung Quốc, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc hiện cũng rất tốt đẹp, Mông Cổ lẽ ra không vì tiếp đón ông Putin mà bị đẩy vào tâm điểm chú ý của chính trị thế giới bởi những sự kiện đối ngoại như chuyến thăm của ông Putin vốn rất bình thường. Mông Cổ có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt về than, đồng, sắt và vàng. Vì thế, nhiều nước phương Tây cho dù có nhiều khúc mắc trong quan hệ với Nga và Trung Quốc vẫn tìm cách thúc đẩy quan hệ hợp tác với Mông Cổ.
Bây giờ, những đối tác phương Tây này lại hậm hực khi Mông Cổ tiếp đón ông Putin trọng thị. Nguyên do ở chỗ ông Putin bị Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh truy bắt mà Mông Cổ là một trong 124 thành viên của ICC. Về lý, bởi là thành viên của ICC nên Mông Cổ có trách nhiệm phải bắt giữ và giao nộp ông Putin cho ICC, một khi ông Putin đặt chân lên lãnh thổ Mông Cổ. Các nước phương Tây và Ukraine đã gây áp lực rất mạnh mẽ tới Mông Cổ để ép buộc Mông Cổ phải bắt giữ ông Putin.
Nhưng Mông Cổ đã trải thảm đỏ đón chào ông Putin. Phe kia rất hậm hực vì như thế đồng nghĩa với việc ông Putin đã lại gặt hái thêm được thành quả quan trọng về đối ngoại, về chính trị thế giới và pháp lý quốc tế. Nỗi hậm hực của các nước phương Tây càng sâu đậm thì mức độ hài lòng của ông Putin càng thêm cao. Một tiền lệ pháp lý quốc tế mới được tạo dựng có lợi cho ông Putin và gây thất vọng cho những bên thù địch ông Putin khi có nước thành viên ICC đầu tiên bất chấp quy định trách nhiệm chung của thành viên ICC và đã không bắt giữ ông Putin để giao nộp cho ICC.
Thật ra, Mông Cổ không thể hành xử khác. Ông Putin được Mông Cổ mời sang tham dự các nghi lễ kỷ niệm 85 năm ngày chiến thắng phát xít Nhật Bản ở Mông Cổ. Năm xưa, Hồng quân Liên Xô đã đóng vai trò quyết định làm nên chiến thắng lịch sử này. Mối quan hệ giữa Nga và Mông Cổ rất tốt đẹp. Cả về lý lẫn tình, Mông Cổ không thể không mời ông Putin tham dự kỷ niệm sự kiện lịch sử nói trên cho dù quan điểm chính thống của Mông Cổ là trung lập trong cuộc xung đột ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Cả từ giác độ lợi ích chiến lược cơ bản lâu dài, Mông Cổ cũng có nhiều lý do xác đáng để mời ông Putin sang thăm và không tuân thủ trách nhiệm đối với ICC trong trường hợp cụ thể này.
Đúng là Mông Cổ tạo cơ hội cho ông Putin làm bàn thắng về đối ngoại và pháp lý quốc tế, nhưng Mông Cổ được lợi nhiều khi tranh thủ ông Putin. Cung ứng dầu lửa và năng lượng của Nga cho Mông Cổ có ý nghĩa sống còn đối với hiện tại và tương lai của Mông Cổ. Dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt "Power of Siberia 2" (Sức mạnh Siberia 2) từ Nga quá cảnh Mông Cổ sang Trung Quốc, hứa hẹn nguồn lợi lớn cho Mông Cổ. Nga còn mở cửa cho Mông Cổ tiếp cận và hợp tác với Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) mở rộng. Tất cả những lý riêng, tình riêng và lợi ích riêng này mới là điều quan trọng và quyết định hơn cả đối với Mông Cổ.