Những thách thức với tân Thủ tướng Pháp
Ngày 5-9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm ông Michel Barnier làm Thủ tướng mới sau nhiều tuần nỗ lực nhằm chấm dứt chia rẽ nội bộ.
Ông Michel Barnier, 73 tuổi, đảm nhận vị trí Thủ tướng sau hơn 50 ngày người tiền nhiệm Gabriel Attal từ chức. Thách thức trước mắt của ông là phải làm việc với quốc hội đang bị chia rẽ thành 3 khối chính sau cuộc bầu cử trước thời hạn vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua.
Theo kết quả vòng 2 của cuộc bầu cử quốc hội, Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) giành được 183 ghế. Đứng thứ hai là liên minh “Cùng nhau” (Ensemble) của Tổng thống Emmanuel Macron giành được 163 ghế, đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen giành được 143 ghế.
Do Ensemble chỉ chiếm được tỷ lệ thiểu số trong quốc hội, nên tân Thủ tướng Michel Barnier phải tìm kiếm thêm sự ủng hộ từ các đảng khác để thông qua các vấn đề cấp bách của Pháp — bao gồm cả ngân sách năm 2025.
Ngay sau khi ông Michel Barnier được bổ nhiệm làm Thủ tướng, đảng cực hữu RN đã phát đi tín hiệu không phản đối ngay lập tức nếu người đứng đầu nội các mới đáp ứng một số điều kiện nhất định. Theo RN, ông Michel Barnier là một chính trị gia ôn hòa và có quan điểm cho rằng, tình trạng người nhập cư đã ngoài tầm kiểm soát. Đây là một quan điểm được RN ủng hộ.
Nghị sĩ đảng cực hữu RN Le Pen cho biết, ngân sách năm 2025 sẽ là ưu tiên của chính phủ Michel Barnier. Chính phủ mới phải đối mặt với thời hạn gấp rút để hoàn thành dự thảo. Pháp cũng đang chịu áp lực từ EU để sắp xếp lại tài chính vì mức nợ công nước này đang cao quá mức cho phép.
Lãnh đạo đảng cực tả Jean-Luc Melenchon ngay lập tức lên tiếng phản đối việc bổ nhiệm ông Michel Barnier và dự đoán thủ tướng mới sẽ không nhận được sự ủng hộ của đa số quốc hội. Theo ông Michel Barnier, việc bổ nhiệm này đi ngược lại kết quả bầu cử lập pháp ngày 7-7.