Nhiều hãng ô tô "dừng" xem xe điện như “tương lai tất yếu”
Các dòng xe điện (BEV) tiếp tục được cơ cấu thành một nhánh sản phẩm đáp ứng nhu cầu cụ thể ở những khu vực cụ thể, thay vì vai trò “tương lai tất yếu” trước đây.
Trong động thái mới nhất, Volvo ngày 5-9 thông báo điều chỉnh mục tiêu điện hóa, trì hoãn kế hoạch chỉ bán xe điện thêm 10 năm.
Ban đầu, hãng xe Thụy Điển tuyên bố sẽ chấm dứt sản xuất xe xăng, dầu từ năm 2030. Giờ đây, kế hoạch mới đặt mục tiêu Volvo trở thành hãng xe "thuần điện" với mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2040.
Tuy nhiên, Volvo vẫn nhắm đến mục tiêu đạt 90-100% doanh số toàn cầu vào năm 2030 là ôtô điện. Lượng tiêu thụ này sẽ bao gồm các xe thuần điện và xe hybrid sạc ngoài (PHEV). Doanh số còn lại của Volvo trong năm 2030 sẽ bao gồm một số mẫu xe hybrid nhẹ (mild hybrid).
Về sản phẩm thuần điện, Volvo dự kiến nhóm này sẽ chiếm khoảng 50-60% doanh số vào năm 2025. Hãng cũng theo đuổi mục tiêu tiếp tục hoàn thiện dải sản phẩm xe điện trước năm 2030, để có thể chuyển sang điện hóa hoàn toàn nếu điều kiện thị trường phù hợp. Kể từ thời điểm công bố kế hoạch trở thành một hãng xe thuần điện, Volvo đã giới thiệu 5 mẫu xe hoàn toàn chạy điện đến khách hàng, bao gồm EX40, EC40, EX30, EM90 và EX90.
Động thái của Volvo diễn ra đồng thời với điều chỉnh mới Mercedes-Benz, khi thông báo sẽ “khai tử” tên gọi EQS. Trước đây, hãng xe Đức từng kỳ vọng sẽ chỉ bán xe thuần điện, do đó đặt ra dải sản phẩm EQ với tầm nhìn thay thế hoàn toàn xe sử dụng động cơ đốt trong. Trong đó, EQS được cho là sẽ thay thế S-Class – mẫu sedan đầu bảng của hãng.
Tuy nhiên, trong thông báo mới nhất, Giám đốc điều hành Mercedes-Benz Ola Kallenius xác nhận, hãng sẽ duy trì sản phẩm S-Class truyền thống với hai phiên bản: Động cơ đốt trong và thuần điện trong tương lai, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng trên toàn cầu. Đây là cách làm tương tự với G-Class mới đây khi Mercedes-Benz tung ra mẫu “G580 với công nghệ EQ” thay vì tên gọi EQG như dự kiến. Trước đó, hãng xe Đức cũng thông báo đã ngừng phát triển nền tảng mới cho xe thuần điện.
Về phần mình, Tesla cũng thông báo hủy bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy tại khu vực ASEAN. Trước đó, hãng xe điện hàng đầu thế giới từng có kế hoạch xâm nhập thị trường hơn 600 triệu dân với nhà máy đầu tiên tại Thái Lan. Động thái này diễn ra trong bối cảnh lợi nhuận của Tesla đã giảm một nửa do trào lưu ô tô điện hạ nhiệt và sức cạnh tranh mãnh liệt từ các nhà sản xuất Trung Quốc.
Ngoài các tên tuổi trên, General Motors, Ford hay Audi là những hãng xe đều mới đây đều có những điều chỉnh kế hoạch điện hóa theo hướng đa dạng và “dễ thở” hơn. Các hãng đều chọn ra mắt các sản phẩm xe hybrid trong vài năm tới, thay vì tập trung hoàn toàn vào những mẫu xe thuần điện.
Một số nhà sản xuất cũng dành sự đầu tư hài hòa hơn cho các công nghệ mới, nhằm đảm bảo tính đa dạng trong sản phẩm năng lượng sạch. Một ví dụ là BMW ngày 5-9 cho biết sẽ đẩy mạnh hợp tác với Toyota để tung chiếc xe sử dụng nhiên liệu hydro đầu tiên ra thị trường vào năm 2028 – thời điểm được kỳ vọng hạ tầng trạm nạp nhiên liệu hydro đã hoàn thiện hơn đáng kể.