Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”Khu tập thể Trung Tự: Một nhân chứng của lịch sử đô thị Hà Nội
Khu tập thể Trung Tự, một thời được gọi là khu “mặt trắng”, nơi cư ngụ của nhiều gia đình cán bộ. Với nhiều thế hệ sinh ra, lớn lên ở nơi đây, đó còn là ngôi nhà chung lưu giữ những kỷ niệm của tuổi học trò, của một thời bao cấp khó khăn, tất tả vận động trong dòng chảy cuộc sống.
Giữa vòng xoáy thị trường, diện mạo khu tập thể Trung Tự hôm nay đã thay đổi, cách sống của con người nơi đây cũng không còn như xưa. Nhưng với chúng tôi, Trung Tự luôn là hiện thân của một niềm yêu, một nhân chứng của tiến trình lịch sử đô thị Hà Nội.
Bài đầu: Một thời không thể nguôi quên
Với thế hệ chúng tôi, khu tập thể Trung Tự là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Trong mỗi người đều có những “thước phim” chất chứa hoài niệm của một thời xếp hàng gánh nước, mua gạo, mua rau, của những tối bập bùng ghi ta bên lũ bạn… Mỗi công trình, mỗi con đường, mỗi khoảng không gian đều ăm ắp kỷ niệm. Nơi đây đã nuôi dưỡng khát vọng của nhiều nhà khoa học, doanh nhân, nghệ sĩ và những cư dân đã làm nên cái chất riêng có, mang tên Trung Tự.
Thời bao cấp và câu chuyện xếp hàng
Từ con phố Thụy Khuê bên hồ Tây huyền ảo, gia đình tôi chuyển đến khu tập thể Trung Tự cuối năm 1975, cũng vào loại sớm nhất. Ngày ấy, nhà tập thể lắp ghép 5 tầng là điều gì đó lạ lẫm, nên việc đầu tiên khi đến nơi ở mới là bỏ đồ đạc, “phi” một mạch lên tầng 5. Cái cảm giác khó tả ấy đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in! Cùng tầng 5, nhà B6 với chúng tôi là gia đình Giáo sư Đường Hồng Dật - Thứ trưởng và nhiều nhà quản lý, nghiên cứu của ngành Nông nghiệp; dưới tầng 4 là gia đình chú Phạm Quang Nghị, sau này là Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Thời bao cấp ở khu tập thể với tôi là chuỗi dài đằng đẵng của câu chuyện xếp hàng, từ lấy nước, mua gạo, mua rau… đến mua hàng Tết. Ngày ấy ở tầng 1, khu C1, người ta dành 2 căn đầu hồi làm cửa hàng rau. Cà chua, cải bẹ, rau muống…, mùa nào rau nấy và thường chỉ bán một loại.
Mỗi lần xe rau về là cả “hệ thống truyền tin” lại “í ới” khởi động, bài vở bỏ đấy, nhanh như chớp, đám trẻ chúng tôi lao ra cửa hàng rau, không có chuyện láu cá chen ngang, người nào có thẻ thương binh được mua trước. Nhiều ngày mệt phờ, ôm về mớ rau muống nước dài đến nửa mét, toàn cọng với rễ nhưng chẳng bị rầy la vì có rau là tốt rồi. Cái gì người không cố ăn được thì băm ra cho gà, cho lợn. Thời ấy, trong khu, nhiều gia đình phải nuôi lợn, gà trong nhà tắm hay ban công, lo cho chúng ăn cũng là cả vấn đề. Mỗi lần con cái kêu ca, phụ huynh lại bảo: “Lợn nuôi người đấy!”.
Xếp hàng mua gạo, nói như bây giờ là “trải nghiệm căng thẳng nhất”. Cửa hàng gạo ở bên kia đường, quy định rõ ràng, ví dụ ngày thứ hai bán cho các gia đình ở B1, B2, B3; thứ ba bán cho B4, B5, B6. “Đến hẹn lại lên”, ra cửa hàng là có thể “điểm danh” gần nửa lớp. Mua gạo không như mua rau, phải nộp sổ rồi xếp bao tải theo hàng, khi mậu dịch viên gọi tên thì vào cân gạo. Xem người ta cân đong thế nào, gạo hay mỳ sợi có mốc không đã đứt hơi, chưa kể phải đối phó với mấy chị “phe” ngọt nhạt. Đám học trò thì đủ chuyện, nhỡ bị “nhón” mất sổ gạo thì không biết sẽ ra sao. Thời bao cấp không sợ gì hơn mất sổ gạo!
Nhớ nhất là chuyện xếp hàng gánh nước. Dãy nhà B6 của chúng tôi ở cuối nguồn nên tầng 4, tầng 5 mất nước là “chuyện thường ngày”. Nhà nào cũng xây cái bể tích nước trong phòng tắm và quãng 4h chiều, đám trẻ lại gọi nhau mang xô, thùng xuống tầng 1 nơi có cái vòi công cộng để xếp hàng, hè đến là rồng rắn quanh sân, giờ bố mẹ đi làm về cũng là giờ bơm nước. Nhiều bác xuống ô tô là chạy vội lên nhà, “oánh” may ô quần đùi mang thùng xuống xếp hàng, mỗi nhà 2 lần, 4 thùng vô cùng bình đẳng.
Ngày phụ huynh sang Liên Xô (cũ) học, tôi mới 14, 15 tuổi, được trang bị một đôi móc xích, cái đòn gánh xinh xinh và đôi thùng nước làm từ thùng đựng mỡ cừu (hàng viện trợ của các nước anh em cho Việt Nam) để đảm nhận việc “nước non” cho cả gia đình. Em tôi kém 7 tuổi cũng xách cặp lồng theo anh “gồng gánh” mấy tầng gác. Tôi nhớ, sau nhiều cuộc họp liên tầng “hết sức căng thẳng”, các hộ chung tiền lắp được cái ống nước từ tầng 1 lên, không phải chạy 5 tầng cầu thang xuống lấy nước nữa, nhưng vẫn xếp hàng vào sáng sớm hoặc tối muộn, tầng 4 lấy trước, tầng 5 lấy sau. Trong khi chờ đợi cái vòi ri rỉ, người lớn thường nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga, kiểu như “cho đỡ nhớ”!
Những hoài niệm mang tên tuổi học trò
Chúng tôi lớn lên cùng tuổi học trò với những kỷ niệm không dễ nguôi quên, cũng không dễ viết ra. Quãng năm 1976 - 1977, ở khoảng đất trống giữa các dãy nhà B, người ta đào móng sâu cả mét như những giao thông hào rồi xây dựng trường mẫu giáo. Ngày ấy, trên truyền hình có chiếu phim về ba chàng ngự lâm với những thanh kiếm đầy chất quý tộc, và khoảng đất trống ở tầng 1 biến thành “tụ điểm” của đám trẻ mê trò đánh trận. Kiếm làm bằng những thanh tre rút từ hàng rào các nhà tầng 1. Sau mỗi “trận đánh” mướt mải lại rủ nhau đi chọc ổi, chọc khế, rồi nghêu ngao hát: “Bay qua rào, em bay qua rào, quả mơ quả táo bay vào túi em”! Trò đánh trận của đám trẻ kéo đến cuối năm 1979, khi những hố “tăng xê” tránh bom hình tròn ở tầng 1 khu tập thể bị lấp.
Lớn thêm chút nữa, đám con trai mê mải chạy theo quả bóng tròn trên khoảnh đất trống trước cổng trường cấp 1, 2 Trung Tự hay trước dãy nhà D1. Chung tiền lên phố Trịnh Hoài Đức mua được quả bóng bơm hơi là “xịn” lắm rồi, còn cột gôn xếp bằng mấy viên gạch. Các đội bóng tự xưng kiểu “Juventus Trung Tự”, “Liverpool Kim Liên”… thì nhiều, sân bóng thì ít nên mùa hè thường phải xếp hàng, hai đội đá khoảng 60 phút, bên nào thắng được đá tiếp.
Nhiều trận “màu cờ sắc áo”, phần thưởng là mấy chai nếp ga mang về nhà các bạn gái, rồi đứa xúc gạo đi đổi bánh rán, đứa chạy về nhà lấy đỗ, lấy đường… làm nồi chè đỗ đen, thế là “nhòe”. Có hôm, đang vui thì xe Volga đỗ xịch trước cửa, cả đám nhớn nhác: “Phụ huynh về!”. Nhà cửa tanh bành nên cũng sợ nhưng “cụ” lại cười xòa: “Các cháu liên hoan à!”. Thế là lần sau lại tái diễn.
Quãng năm 1986, công trình trụ sở Ủy ban nhân dân phường Trung Tự còn dang dở, tường gạch lởm chởm nhưng mái đã đổ bê tông, thế là có thêm một chỗ chơi. Mùa hè, vào những tối có trăng, đám con trai, con gái lại nhấm nháy nhau ôm đàn ghi ta lên sân thượng hát hò. Thời đấy có phong trào học ghi ta, con trai lớp tôi hầu như đứa nào cũng biết “quạt chả” đệm đàn cho bạn gái hát. Những “Điệu nhảy trên trống”, “Con đường có lá me bay”, “Hà Nội những công trình”… cứ thế ngân xa theo chúng tôi qua những tháng ngày để bây giờ vẫn khắc khoải về một thời xa mà gần ở khu “mặt trắng”.
“Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ mà không dễ gì có thể kể ra. Chúng tôi lớn lên trong một khu tập thể, đều là con cán bộ, công chức nhà nước, nhiều năm chung lớp, chung trường, chung những kỷ niệm của thời bao cấp khó khăn nên cách nhìn nhận cuộc sống ít nhiều cũng khác so với các bạn ở “trên phố” và thường bị gọi là “gà công nghiệp”. Chẳng sao cả! Khu tập thể “mặt trắng” đã nuôi dưỡng tâm hồn nhiều lớp người và trải qua nhiều thăng trầm vẫn đọng lại những điều hết sức đặc biệt và không dễ lý giải. Đó là một phần không thể thiếu trong tiến trình phát triển đô thị ở nhiều chiều kích.
(Còn nữa)