Ý kiến - Phản hồi

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (huyện Gia Lâm):Giải phóng mặt bằng một lần cho cả hai giai đoạn

Thiện Mỹ 05/09/2024 - 07:17

Thời gian qua, người dân thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm), thuộc diện giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống, luôn đề nghị cấp thẩm quyền thực hiện giải phóng mặt bằng một lần thay vì phân khúc theo 2 giai đoạn. Nhận thấy đây là ý kiến chính đáng, các cơ quan chức năng đã và đang khẩn trương triển khai các thủ tục để người dân yên tâm bàn giao mặt bằng thực hiện dự án.

du-an.jpg
Thi công Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống.

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống) được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1009/QĐ-BGTVT ngày 26-7-2022, trong đó phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách thành tiểu dự án riêng do UBND thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện. Dù dự án đang thi công nhưng do được phân kỳ làm 2 giai đoạn nên việc giải phóng mặt bằng đang gặp một số vướng mắc.

Tổ trưởng tổ dân phố số 42 (thị trấn Yên Viên) Nguyễn Thị Nghị cho biết, việc giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống chia thành 2 giai đoạn, ảnh hưởng đến hơn 100 hộ dân nên nhiều hộ sẽ bị giải phóng mặt bằng 2 lần. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng..., nên người dân liên tục đề nghị được giải phóng mặt bằng một lần để ổn định cuộc sống.

Chủ tịch UBND thị trấn Yên Viên Nguyễn Xuân Cương xác nhận, người dân trong vùng thực hiện dự án mong muốn được an cư, ổn định cuộc sống. Mặt khác, do thị trấn đã hết quỹ đất tái định cư nên người dân càng lo lắng, không biết sẽ đi đâu, về đâu...

Trong nhiều văn bản liên quan, UBND thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải đều khẳng định, Dự án đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống được phê duyệt với 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 đối với hạng mục cầu đường bộ chỉ đầu tư và giải phóng mặt bằng tương ứng với 1 đơn nguyên; trong tương lai sẽ thực hiện giai đoạn 2 giải phóng mặt bằng và đầu tư đơn nguyên còn lại.

Việc phân kỳ 2 giai đoạn dẫn đến một số hộ dân sẽ phải giải phóng mặt bằng 2 lần (thậm chí có hộ sẽ bị giải phóng mặt bằng 3 lần khi thực hiện các dự án của địa phương). Diện tích thu hồi chia nhiều giai đoạn, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ở các giai đoạn lại khác nhau, nên khó nhận được sự đồng thuận của người dân...

Với thực tế nêu trên, tại Văn bản số 1504/UBND-TNMT ngày 16-5-2024 gửi Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội nhận định: “Việc thực hiện giải phóng mặt bằng thu hồi đất một lần cho cả 2 giai đoạn đối với Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống là cần thiết, cấp bách”. Trong khi đó, tại Văn bản số 6106/BGTVT-KHĐT ngày 8-6-2024, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Hà Nội lồng ghép các nguồn vốn đầu tư dự án để thực hiện giải phóng mặt bằng một lần cho cả 2 giai đoạn theo quy hoạch. Tại hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân năm 2024 huyện Gia Lâm (tổ chức ngày 16-8-2024), Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền thông tin, trước ý kiến của người dân, UBND huyện đã báo cáo UBND thành phố và hiện thành phố đã bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 của dự án và tách riêng Tiểu dự án giải phóng mặt bằng do UBND thành phố tổ chức.

Theo đó, đầu tháng 7-2024, huyện Gia Lâm đã có văn bản báo cáo HĐND, UBND thành phố đề xuất chủ trương Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống, địa điểm tại xã Yên Viên (huyện Gia Lâm). Ngày 26-7-2024, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3889/QĐ-UBND phê duyệt Tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện giải phóng mặt bằng Dự án nâng cấp tuyến đường vận tải thủy sông Đuống...

Như vậy, nguyện vọng của người dân tại khu vực thực hiện dự án cầu sông Đuống đã được Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hà Nội xem xét và khẩn trương triển khai các thủ tục theo quy định, để vừa bảo đảm quyền lợi người dân, vừa bảo đảm tiến độ triển khai dự án, nhằm sớm hoàn thiện hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt theo quy hoạch.