Xã hội

Xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi):Thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo

Thu Hằng 05/09/2024 - 06:57

Xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Khoa học và Công nghệ trong năm 2024.

Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ quyết liệt sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và Công nghệ 2013 với nhiều điểm mới, đột phá để trở thành một công cụ hữu hiệu, hành lang pháp lý quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

viet-tel.jpg
Kỹ sư Viettel nghiên cứu khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G.

Sửa đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Luật Khoa học và Công nghệ được ban hành lần đầu vào năm 2000 và sửa đổi vào năm 2013 đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, bối cảnh thế giới đã thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ cũng như sự bùng nổ của công nghệ số. Những thay đổi này đã đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội và khoa học và công nghệ ngày càng chặt chẽ. Khái niệm “nghiên cứu, phát triển” đã dần được thay thế bằng “nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo”.

Bên cạnh đó, trong 10 năm qua, các văn kiện định hướng chỉ đạo của Đảng đã nhiều lần đề cập đến phát triển kinh tế - xã hội gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được khẳng định là một nội dung quan trọng. Vì vậy, các nội dung này cần được thể chế hóa kịp thời vào trong Luật.

Mặt khác, quá trình triển khai thi hành Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã cho thấy một số nội dung quy định chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn như: Chưa có đủ cơ chế thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; vấn đề thúc đẩy hoạt động nghiên cứu trong doanh nghiệp chưa được quan tâm thỏa đáng...

Từ góc độ cơ quan lập pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn cho rằng, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 đã lạc hậu, không đáp ứng được sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. “Do đó, nếu chúng ta tiếp tục trì hoãn việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ 2013 sẽ không còn phù hợp với thông lệ quốc tế và các pháp luật hiện hành” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Điều này đòi hỏi Luật Khoa học và Công nghệ 2013 cần được sửa đổi toàn diện để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cập nhật những vấn đề mới của khoa học và công nghệ trong nước và thế giới; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Luật.

Gỡ vướng mắc về thể chế

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Thị Ngọc Diệp cho biết, dự kiến Luật Khoa học và Công nghệ 2013 sẽ được đổi tên thành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất 8 nhóm chính sách trong quá trình sửa đổi. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, một trong những “điểm nghẽn” khiến kết quả nghiên cứu khó ra thực tiễn liên quan đến hành lang pháp lý. Trong đó, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 cùng nhiều luật liên quan chưa chấp nhận việc các nhà khoa học nghiên cứu mà không cho ra kết quả. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cần thời gian dài, phải từ 10-20 năm, mới đưa được vào cuộc sống, do đó nếu chỉ đánh giá kết quả thương mại hóa trong 1-5 năm, chưa thực sự đầy đủ.

Về tăng cường nguồn nhân lực cho nghiên cứu và phát triển, dự thảo Luật dự kiến tăng số lượng cán bộ nghiên cứu từ 7 lên 12 người/một vạn dân. Đây là giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư từ xã hội, doanh nghiệp và khu vực tư nhân vào khoa học và công nghệ. Đầu tư này sẽ bao gồm tài chính và việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, các viện nghiên cứu, cũng như hình thành các đội ngũ nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp.

Về nội dung đổi mới sáng tạo, dự thảo Luật dự kiến sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp là trung tâm, viện nghiên cứu cũng như trường đại học đóng vai trò là các chủ thể nghiên cứu mạnh; đồng thời khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, để đồng bộ các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ với các chính sách tài chính hiện có, nhằm tận dụng tối đa tất cả các chính sách này, ngành Khoa học và Công nghệ sẽ sửa đổi mạnh mẽ các quy định liên quan đến nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đề tài, dự án, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính...

Đặc biệt, dự thảo Luật sẽ cân bằng giữa hoạt động khoa học và công nghệ với những yêu cầu pháp luật về tài chính, như: Đầu tư, đấu thầu, quản lý và sử dụng tài sản công... “Chúng tôi dự kiến sẽ đề xuất trong dự thảo Luật các quy định về việc xác định cái gì là tài sản và cái gì không phải là tài sản trong kết quả khoa học và công nghệ. Việc chia sẻ quan điểm này sẽ giúp điều chỉnh hành lang pháp lý của Luật Khoa học và Công nghệ cũng như các luật khác, để chúng trở nên phù hợp và hoạt động hiệu quả hơn, từ đó tạo ra một môi trường thông thoáng cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.