Xây dựng hệ sinh thái AI có chủ quyền
Theo Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đến năm 2030, Việt Nam hướng đến mục tiêu gia nhập vào nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước hàng đầu thế giới về lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI. Để đáp ứng được mục tiêu này, các chuyên gia cho rằng, mấu chốt là xây dựng hệ sinh thái AI có chủ quyền…
Đưa AI vào quản trị, điều hành
Theo Báo cáo Chỉ số sẵn sàng ứng dụng AI của Chính phủ được Oxford Insights (một tổ chức tư vấn về chiến lược chuyển đổi số và AI của Anh) công bố năm 2023, Việt Nam xếp thứ 59/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 9 trong khu vực Đông Á, với điểm số 51,41, tăng 19 bậc so với năm 2022. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đưa AI vào các hoạt động quản trị và điều hành, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, ngân hàng, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và thương mại điện tử. Tuy nhiên, việc triển khai, áp dụng AI không phải là một nhiệm vụ một sớm một chiều, khi chỉ có 27% tổ chức triển khai AI một cách nghiêm túc và toàn diện…
Báo cáo của Statista (một công ty cung cấp báo cáo thị trường của Đức) dự báo, trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) được tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới. Trong đó, tại Việt Nam, GenAI dự kiến đem lại doanh thu 14.000 tỷ đồng vào năm 2030 (tương đương 574 triệu USD) và dự đoán đạt tỷ lệ tăng trưởng kép quy mô thị trường là 46,47% giai đoạn 2024-2030. Đáng chú ý, mặc dù có 64% doanh nghiệp chưa có hành động ứng dụng công nghệ mới này (thế giới là 55%), nhưng đã có 30% doanh nghiệp Việt Nam đang tìm hiểu và ứng dụng; 9% doanh nghiệp đã triển khai (tỷ lệ này của thế giới là 7%); 3% doanh nghiệp thử nghiệm (thế giới là 7%) và có 24% doanh nghiệp đã khám phá, thăm dò (thế giới là 30%).
Như vậy có thể thấy rằng, mặc dù chưa rộng rãi, song số lượng doanh nghiệp trong nước triển khai GenAI cho thấy sự quyết tâm nắm bắt công nghệ mới và ứng dụng mạnh mẽ để đem lại giá trị.
Tập đoàn FPT là một trong những doanh nghiệp công nghệ có đầu tư nghiên cứu về AI từ 10 năm trước. Đến nay, FPT cung cấp tất cả công đoạn trong chuỗi giá trị AI, từ cơ sở hạ tầng tính toán, huấn luyện mô hình AI đến các nền tảng AI hỗ trợ cho việc phát triển các mô hình AI, nền tảng GenAI, nền tảng thị giác máy tính Landing AI, cho đến các dịch vụ, giải pháp và sản phẩm cho doanh nghiệp. Doanh thu từ AI đem về cho FPT khoảng 60 triệu USD mỗi năm.
Trong đó, FPT ứng dụng các giải pháp AI của mình trước tiên với chính những công ty thành viên như Long Châu, giúp nâng cao kiến thức và năng lực nhân sự, bảo đảm năng suất vận hành kinh doanh. FPT còn ứng dụng AI nhằm tăng năng suất lao động nội bộ, như giải pháp Docify AI hỗ trợ 27.000 lập trình viên trong công việc hằng ngày; ứng dụng CodeVista giúp tăng 50% năng suất, cải thiện đáng kể chất lượng code…
Tạo dựng 5 trụ cột lớn
Theo Giám đốc quốc gia Việt Nam của Tập đoàn Intel Phùng Việt Thắng, trong bối cảnh Việt Nam và thế giới không ngừng nỗ lực hiện thực hóa những kỳ vọng về AI, công nghệ này đã trở thành chủ đề quan trọng. Hướng đi hiệu quả nhất đôi khi không nằm ở việc sở hữu một mô hình GenAI thế hệ mới, mà là việc đưa AI vào phân tích hoặc dự đoán bằng dữ liệu để tăng tốc quá trình kinh doanh và cung cấp thông tin có mức độ tin cậy cao hơn cho nhân viên có liên quan.
Về vấn đề cung cấp AI, một số ý kiến cho rằng, dự báo AI tạo sinh sẽ đóng góp 14.000 tỷ đồng cho nền kinh tế số Việt Nam vào năm 2030 đã đặt ra những thách thức không nhỏ. Do vậy, để tối đa hóa lợi ích mà AI tạo sinh mang lại, Chính phủ và doanh nghiệp cần tập trung tìm lời giải cho việc xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng lớn, gồm đầu tư sản xuất chip bán dẫn, chính sách về giá điện, giá năng lượng cũng như củng cố hạ tầng viễn thông.
Theo Giám đốc FPT Smart Cloud Lê Hồng Việt, AI mang lại những cơ hội lớn và cả thách thức, đã đến lúc cần thúc đẩy phát triển AI có chủ quyền (Sovereign AI). Theo đó, cần phải xây dựng một hệ sinh thái AI dựa trên nền tảng dữ liệu Việt Nam, từ đó giúp bảo vệ lợi ích quốc gia và tạo ra giá trị thực sự cho nền kinh tế. AI có chủ quyền gồm 5 trụ cột lớn: Hạ tầng, dữ liệu, nền tảng công nghệ, nguồn nhân lực và hệ sinh thái doanh nghiệp.
Hiện FPT sẵn sàng cam kết thúc đẩy AI có chủ quyền tại Việt Nam, thông qua thực hiện các thương vụ đầu tư 200 triệu USD hợp tác cùng NVIDIA xây dựng nhà máy AI - AI Factory vào tháng 3-2024. Điều này cho thấy quyết tâm của tập đoàn trong việc tự lực về hạ tầng, làm chủ dữ liệu, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển AI. Ngoài ra, FPT cũng đã đưa vào hoạt động Trung tâm nghiên cứu về AI tại Quy Nhơn, với quy mô hơn 5.000 nhân sự.
Cũng theo ông Phùng Việt Thắng, với nhiều lợi thế nổi bật, Việt Nam đang ở thời điểm vàng để gia nhập vào xu hướng phát triển AI mạnh mẽ trong những năm tới. Thời gian tới sẽ là thời kỳ lý tưởng cho các quốc gia xây dựng nền tảng AI, Việt Nam cần nâng cao hiểu biết của cộng đồng về AI, bảo đảm AI được triển khai an toàn mà không gặp nhiều trở ngại từ các quy định, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ mở và đa dạng. Bằng cách này, Việt Nam có thể hiện thực hóa kỳ vọng lớn lao từ công nghệ AI và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này.