Chính trị

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Những ngày chuyển giao hành chính thành phố Hà Nội

Ngọc Đoan 05/09/2024 06:45

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tài (1926 - 2016), nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, thuộc lứa cán bộ đầu tiên của ngành Công an và cũng là người có nhiều kỷ niệm gắn bó với Thủ đô Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động ở nội thành, giữ cương vị Trưởng ty Công an Hà Nội, rồi Phó Giám đốc và Quyền Giám đốc Công an đặc khu Hà Nội. Ít ai biết rằng, ông còn là một trong những người trực tiếp tham gia đấu tranh với phía Pháp để Chính phủ ta tiếp quản Thủ đô Hà Nội một cách trọn vẹn.

Bài đầu: Cuộc đấu tranh đầy cam go

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết ngày 21-7-1954, ta chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Trong Hiệp định có điều khoản: Chuyển giao hòa bình thành phố Hà Nội và khu 300 ngày. Đây là điều mà trên thế giới chưa từng có.

Đồng chí Nguyễn Tài (trái) và đồng chí Lê Hữu Qua (Ảnh gia đình đồng chí Nguyễn Tài cung cấp).
Đồng chí Nguyễn Tài (phải) và đồng đội. Ảnh: Gia đình đồng chí Nguyễn Tài cung cấp

Nhiệm vụ khó khăn

Theo Hiệp định Genève, Hà Nội được gọi là khu 80 ngày, tiếp đến là Hải Dương (100 ngày), còn khu 300 ngày là Hải Phòng và Quảng Ninh. Đây cũng chính là thời hạn để Pháp rút quân khỏi miền Bắc. Trong thời gian 80 ngày, chúng ta phải đấu tranh với địch, tiến tới tiếp quản thành phố Hà Nội - Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đối với Hà Nội, việc chuyển giao có hai phần, về quân sự và về hành chính.

Đầu tháng 8-1954, vợ chồng đồng chí Nguyễn Tài vui mừng đón đứa con đầu lòng ra đời sau 6 năm mong đợi. Biết bao bỡ ngỡ trong việc chăm sóc con, nhất là con gái lại bị sinh thiếu tháng. Đúng lúc đó, đồng chí Nguyễn Tài đang là Thành ủy viên, Giám đốc Công an đặc khu Hà Nội, được gọi đi dự lớp học để chuẩn bị tiếp quản Thủ đô ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên). Lớp học đã vinh dự đón Bác Hồ đến thăm, nói chuyện.

Đang chuẩn bị học thì Ủy ban Liên hợp Trung ương của ta xin bổ sung cán bộ để chuẩn bị tiếp quản Hà Nội. Thành ủy Hà Nội cử hai Thành ủy viên là các đồng chí Trần Vỹ và Nguyễn Tài tham gia đàm phán với Pháp về việc chuyển giao thành phố Hà Nội, trong đó, đồng chí Nguyễn Tài được cử là Đảng ủy viên Đảng ủy tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

hiep-nghi-1.jpg
Trang 1 bản "Hiệp nghị về việc chuyển giao các công sở và tài sản công cộng khu chu vi Hà Nội" Ảnh: Gia đình đồng chí Nguyễn Tài cung cấp

Đây là cuộc đấu tranh ngoại giao của phái đoàn ta trên bàn hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ, diễn ra từ ngày 17 đến 30-9-1954. Tại hội nghị này, hai bên đã ký kết bản "Hiệp nghị về việc chuyển giao các công sở và tài sản công cộng khu chu vi Hà Nội". Hiệp nghị buộc phía Pháp phải thực hiện chuyển giao thành phố theo đúng quy định tại Hiệp định Genève: Rút quân đúng thời hạn, bảo đảm an toàn, không phá hoại tài sản công cộng.

So với chuyển giao quân sự, chuyển giao hành chính tương đối phức tạp vì liên quan đến rất nhiều cơ quan, công việc và cả cuộc sống của nhân dân. Theo nội dung của Hiệp nghị thì việc chuyển giao hành chính phải đạt được mấy yêu cầu lớn, trong đó có việc “đảm bảo công việc hành chính không bị đứt đoạn” và “có đội hành chính vào trước”.

Công việc tiếp quản Thủ đô gặp phải không ít khó khăn, thách thức do các thế lực thù địch, hiếu chiến vẫn ngấm ngầm chống phá cách mạng Việt Nam, vì vậy, phải có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các lực lượng.

Một trong những khó khăn là phía Pháp tìm cách di chuyển kho tàng, máy móc, vật liệu, trang thiết bị, thuốc men, tài liệu quý ra khỏi thành phố. Tại các công sở, nhà máy, xí nghiệp, chúng chuyển hết hồ sơ, máy móc đi Hải Phòng để đưa vào Nam, mà phía ta không có những cái đó thì rất khó làm việc.

Đồng chí Nguyễn Tài kể: “Ở một cơ quan, khi anh em vào thì được cung cấp bản mục lục tài sản, trong đó có cái xe ô tô, đến lúc phía Pháp trao trả cho ta thì chỉ còn có 3 bánh xe...”. Thế nên vấn đề bồi hoàn tài sản trở nên rất quan trọng.

Để đấu tranh giữ tài sản và hồ sơ sau khi tiếp quản, chúng ta lập ra một tiểu ban gọi là Tiểu ban Bồi hoàn tài sản Hà Nội. Nhiệm vụ đấu tranh trên bàn đàm phán để giữ được tài sản, đảm bảo cho thành phố vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường được đặt ra hết sức nặng nề. Đối với đồng chí Nguyễn Tài, nhiệm vụ này lại càng khó khăn vì đây là lần đầu tiên ông tham gia đấu tranh trên lĩnh vực ngoại giao, một công việc không phải sở trường của ông.

Cuộc đấu trí cương quyết

Việc chuyển giao thành phố trong hòa bình theo Hiệp định Genève là việc trên thế giới chưa từng có, nên cả hai bên đều phải “mò mẫm” cách làm.

Đồng chí Nguyễn Tài được cử làm Trưởng đoàn của ta để làm việc với phía Pháp về việc chuyển giao hành chính. Phái đoàn ta còn có ông Dương Văn Đàm là luật sư và một số người có chuyên môn về các ngành khác.

Phía Pháp thì cử luật sư De Bresson là Tùy viên pháp luật của Sứ quán Pháp ở Sài Gòn.

giai-phong-thu-do120221010105540.jpg
Lính Pháp trên cầu Long Biên để rút khỏi Hà Nội tháng 10-1954. Ảnh tư liệu

Trong quá trình đàm phán, xây dựng Hiệp nghị về chuyển giao hành chính thành phố Hà Nội, Thành ủy Hà Nội luôn gửi đến cho đồng chí Nguyễn Tài tin tức từ nội thành về các hoạt động phá hoại của phía Pháp.

Ông Nguyễn Tài kể: “Tôi không biết gì về luật, nhưng có luật sư Dương Văn Đàm tư vấn các vấn đề về pháp lý, thế là mình cứ dựa theo đó mà đấu với phía Pháp những vấn đề họ làm sai Hiệp định”.

Ban đầu phía Pháp thanh minh là không làm sai. Bằng trí thông minh, lý lẽ sắc sảo, phái đoàn ta đã đưa ra những chứng cứ xác đáng, buộc họ phải thừa nhận hành vi phá hoại. Nhưng họ lại cãi rằng chỉ có cơ quan hoạt động thường xuyên thì mới phải theo Hiệp định; còn cơ quan hoạt động không thường xuyên thì không cần như vậy. Nguyễn Tài vạch cho phía Pháp biết rằng, chỉ có cơ quan Quốc hội mới là hoạt động không thường xuyên, mà ở Hà Nội không có cơ quan này.

Ông nói: "Ông De Bresson là cố vấn pháp lý của tòa Đại sứ Pháp mà tuyên bố như vậy, tôi xin phép được công bố trên đài phát thanh lời tuyên bố ấy". Phía Pháp thấy những lý lẽ của ông Nguyễn Tài đưa ra rất cứng và chặt chẽ, họ hỏi nhau xem ông là người thế nào. Có một người là cơ sở của ta ở bên phái đoàn Pháp bảo: “Anh ấy học ở trường luật”.

Sau đó, đồng chí Nguyễn Tài còn “dọa” thêm: “Chúng tôi sẽ đăng lên báo tất cả những tài sản bị phía các ông lấy trộm, lấy cắp đi”. Sợ bị mất mặt, phía Pháp phải tuyên bố “không phản đối việc bồi hoàn những tài sản đã bị lấy đi”. Ta nắm lấy ý đó để yêu cầu ghi vào Hiệp nghị chuyển giao hành chính.

(còn nữa)

logo-dien-tu-moi-02.jpg