Vụ trẻ bị bạo hành tại Mái ấm Hoa Hồng: Đã chuyển 85 em sang các cơ sở bảo trợ xã hội
Chiều 4-9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin về vụ việc phản ánh trẻ em bị bạo hành tại cơ sở Mái ấm Hoa Hồng trên đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh.
Thông tin tại họp báo, bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau khi báo chí đăng tải về vụ việc, đoàn công tác của Sở đã có mặt tại Mái ấm Hoa Hồng để làm việc.
Thời điểm này, có 85 trẻ em, trong đó có 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi, 36 trẻ từ đủ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi, 30 trẻ từ 36 tháng tuổi đến 72 tháng tuổi, 3 trẻ từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi, 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện.
Trước mắt, đơn vị đã đề xuất và chuyển 85 trẻ đến các cơ sở bảo trợ xã hội, như Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình, Làng Thiếu niên Thủ Đức, Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp để cách ly trẻ ra khỏi môi trường có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.
Bên cạnh đó, Sở đã đề nghị UBND quận 12 chỉ đạo Công an quận phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, làm rõ vụ việc. Hiện, cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ hoạt động cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập Mái ấm Hoa Hồng. Chủ cơ sở là bà Giáp Thị Sông H.
Liên quan đến vụ việc này, chiều 4-9, Công an quận 12 cùng các phòng nghiệp vụ Công an thành phố đã làm việc với bà Giáp Thị Sông H (sinh năm 1974, ngụ tỉnh Bắc Giang, chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng) và một số bảo mẫu, để làm rõ vụ trẻ bị ngược đãi ở cơ sở này.
Trưa ngày 4-9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Thị Diệu Thúy có văn bản giao UBND quận 12 chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an thành phố và các đơn vị có liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật để răn đe đối với hành vi ngược đãi, bạo hành, xâm hại trẻ em theo phản ánh. Đồng thời, báo cáo nhanh tình hình cho UBND thành phố trong ngày 4-9.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố và các sở, ban, ngành cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra để phát hiện kịp thời và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em trên địa bàn.
Trước đó, Báo Thanh Niên phản ánh tình trạng bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng. Theo đó, nhiều bảo mẫu tại cơ sở này đã có hành vi đánh, bóp, tát… nhiều trẻ em từ 1-2 tuổi đang được nuôi dưỡng tại đây. Vụ việc thu hút sự quan tâm của dư luận và được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.