Y tế

Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Thủ đô

Nguyên Hoa 04/09/2024 - 13:55

Ngày 4-9, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố ban hành danh mục khám, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán cho các cơ sở khám, chữa bệnh y học gia đình và danh mục cấp cứu ngoại viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

kham-chua-benh.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hiền Phương

Theo đó, sẽ có 20 danh mục khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; 22 danh mục cấp cứu ngoại viện trên địa bàn thành phố chưa được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán. Nghị quyết ra đời nhằm quản lý việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn thành phố, giúp cho người bệnh phát hiện bệnh sớm, được chẩn đoán và điều trị kịp thời... Nghị quyết cũng nhằm góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong tình hình mới...

Nghị quyết dự kiến trình HĐND thành phố vào kỳ họp thứ mười tám, khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Khi nghị quyết được HĐND thành phố ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý để ban hành quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở ban hành giá dịch vụ khám, chữa bệnh y học gia đình chưa được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và 22 danh mục cấp cứu ngoại viện đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình. Đồng thời, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ tiến đến tự chủ toàn phần, tính đúng, tính đủ các cấu phần của giá dịch vụ.

z5795911850019_0644ea53198aa28dfb7c679646528111.jpg
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hiền Phương

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị của Sở Y tế, đồng thời đề nghị sửa tên nghị quyết cho ngắn gọn, dễ hiểu.

Một số đại biểu cho rằng, dự thảo nghị quyết giúp bệnh viện giảm tải, phù hợp với Luật Thủ đô năm 2024, hỗ trợ mô hình y học gia đình phát triển. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động nghị quyết đối với an sinh xã hội; đánh giá hoạt động của trạm y tế xã, phường, thị trấn, rà soát lại mô hình y học gia đình để chi đúng giá trị, đối tượng. Một số đại biểu cho rằng, cần chú ý thêm đến năng lực khám, chữa bệnh y tế gia đình; nêu căn cứ để đưa ra các danh mục và đánh giá tình trạng nguồn nhân lực, hiện trạng của y học gia đình, cấp cứu ngoại viện hiện nay.

z5795911426960_5a7362b9cd049484e0a576a0b385d03a.jpg
Đại biểu phản biện tại hội nghị. Ảnh: Hiền Phương

Nhiều đại biểu cũng đề nghị bổ sung các dịch vụ tư vấn tâm lý, dịch vụ hỗ trợ dinh dưỡng tại nhà, dịch vụ sàng lọc bệnh mãn tính tại nhà, y học cổ truyền, tăng dịch vụ cấp cứu y tế… để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Sỹ Trường đề nghị bổ sung và ghi rõ “các cơ sở khám, chữa bệnh y học gia đình trên địa bàn thành phố đã được đăng ký theo đúng quy định” để đảm bảo không có tình trạng cơ sở chui, hoạt động không phép. Đồng thời, Sở Y tế phải rà soát các cơ sở y học gia đình trên địa bàn thành phố đã được cấp phép để đảm bảo sức khỏe, an toàn của nhân dân khi đi khám bệnh.

Về các danh mục dịch vụ khám, chữa bệnh được quy định trong Nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cũng đề nghị, Sở Y tế tiếp tục nghiên cứu lấy ý kiến các đơn vị khác như: Hội Đông y, Hội Y học cổ truyền, các bác sĩ y học gia đình… để hoàn thiện hơn.

Về các danh mục cấp cứu ngoại viện, đề nghị Sở Y tế nghiên cứu các ý kiến của các chuyên gia, đối với các quãng đường quá xa không nên đưa vào danh mục bởi cấp cứu cần nhanh chóng, kịp thời để đảm bảo an toàn, tính mạng đối với người bệnh...