“Ngõ xóm văn minh, đoàn kết” ở Tích Giang
Mô hình “Ngõ xóm văn minh, đoàn kết” đang được thực hiện ở xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) hướng tới xây dựng khu dân cư giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình.
“Ngõ xóm không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học. Mỗi gia đình sạch từ nhà xuống bếp, từ bếp ra vườn, từ vườn ra ngõ. Các gia đình trong xóm ngõ đoàn kết giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn hoặc khi có việc hiếu, việc hỷ. Xóm ngõ không có hộ nghèo…” - đó là mục tiêu của mô hình “Ngõ xóm văn minh, đoàn kết” ở Tích Giang.
Xóm Veo được chọn làm điểm mô hình này của thôn 5, xã Tích Giang. Xóm có chiều dài hơn 400m với 150 hộ, trên 400 nhân khẩu đang sinh sống. Xóm có đội ngũ trí thức đông đảo, đặc biệt là các nhà giáo. Thống kê toàn xóm có khoảng 60% số hộ gia đình có người công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo. Nhiều gia đình có từ 2 đến 7 thành viên là nhà giáo.
Bà Khuất Thị Bống, nhà giáo hưu trí xóm Veo vui vẻ kể, gia đình ông Nguyễn Đức Hiền có 7 người là giáo viên; gia đình bà Nguyễn Thị Hiền 2 vợ chồng đều là giáo viên; gia đình bà Bống cũng có 2 mẹ con là giáo viên…
Những người không làm cán bộ, công nhân viên chức trong các cơ quan Nhà nước thì phát triển kinh tế trang trại, trồng hoa cây cảnh. Ví như hộ chị Cấn Thị Quy, nuôi 5.000 đến 7.000 gà thịt/lứa. “Chồng tôi phụ trách công tác thú y ở xã nên có kiến thức chăn nuôi. Mỗi năm, tôi nuôi ổn định 2 lứa gà, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng trọt”, chị Quy chia sẻ.
Bà Khuất Thị Hảo, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 5 cho biết, ngay khi ra mắt mô hình “Ngõ xóm văn minh, đoàn kết” ở xóm Veo, người dân nơi đây đã triển khai kế hoạch chi tiết để các hộ dân trong xóm bám vào thực hiện.
"Cụ thể, để bảo đảm tiêu chí văn minh trong việc tang, chúng tôi tuyên truyền vận động các hộ thực hiện tang văn minh tiến bộ. Hay như thời gian này, dịch sốt xuất huyết nhiều, chúng tôi tuyên truyền hằng ngày người dân phải có ý thức giữ vệ sinh môi trường từ nhà ra ngõ sạch sẽ, chứ không chờ phát động mới làm... Về đoàn kết, mỗi khi các gia đình trong ngõ có công việc như hiếu, hỷ, các gia đình đến thăm hỏi, động viên, làm giúp đến khi công việc hoàn thành tốt đẹp mới thôi. Với các gia đình chưa ý thức chấp hành quy định, chúng tôi đến tận nhà để tuyên truyền, nhắc nhở…", bà Hảo cho biết.
Cùng với xóm Veo ở thôn 5, Tổ tự quản số 1 của thôn 1, xã Tích Giang cũng được chọn làm điểm mô hình “Ngõ xóm văn minh, đoàn kết”.
Bà Nguyễn Thị Nụ - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 1 cho biết: Thôn có 7 nhóm tự quản phân chia theo địa bàn dân cư. Với mô hình “Ngõ xóm văn minh, đoàn kết", Tổ tự quản số 1 đã tuyên truyền, hướng dẫn thành viên thực hiện các tiêu chí nhà sạch, vườn đẹp, ngõ văn minh, gia đình hạnh phúc, ngõ xóm đoàn kết. Các gia đình cùng bàn bạc thảo luận cách thức cải tạo, bố trí nhà ở, không gian sinh sống, khu vườn phù hợp nhu cầu sử dụng của từng hộ cũng như tổng thể chung. Các hộ bố trí lao động, kinh phí chỉnh trang lại ngõ xóm; tự giác dọn vệ sinh sạch sẽ; nhắc nhở nhau đổ rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định…
Ông Trần Văn Giang, Tổ trưởng Tổ tự quản số 1 cho biết, tổ có 270 thành viên, 61 hộ gia đình. Từ trước tới nay không có chuyện xóm giềng cãi vã, đánh nhau, đều chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước. 100% số gia đình trong nhóm khi có người qua đời đều thực hiện hỏa táng…
Theo ông Giang, nhân dân Tổ tự quản số 1 còn đi đầu trong thôn, xã về thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đến nay, trên 87% số hộ dân trong tổ đã chuyển đổi từ đất lúa, màu sang trồng hoa.
Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Nhạn, các con đều thoát ly, chỉ có 2 vợ chồng già nhưng vẫn duy trì làm nông. “Tôi chuyển từ trồng hoa ngắn ngày sang hoa dài ngày như trà, mẫu đơn, mộc. Đây là các cây trồng không tốn nhiều công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế vẫn cao”, bà Nhạn nói.
Nói về việc hình thành mô hình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tích Giang Kiều Cao Việt cho biết, xuất phát từ ý tưởng xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp, đoàn kết, hướng tới chào mừng thành công Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tích Giang đề xuất với Đảng ủy xã triển khai mô hình điểm tại một số địa bàn dân cư. Quá trình triển khai, mô hình được cộng đồng dân cư đón nhận, ủng hộ nhiệt tình. Tại các thôn, xóm làm điểm đều có kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể hóa bằng các tiêu chí, có nhóm Zalo chung để các gia đình tham gia mô hình cùng bàn bạc và thực hiện...
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tích Giang Lê Thị Kim Phương, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, đang xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2022-2025. Từ mô hình điểm này, xã mong muốn lan tỏa tới các thôn khác để cùng xây dựng Tích Giang giàu đẹp, văn minh hơn.