“Tất cả vì học sinh thân yêu”
Những ngày gần đây, rất nhiều người quan tâm tới dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, xin ý kiến góp ý rộng rãi từ ngày 22-8 đến 22-10.
Có người coi dự thảo Thông tư như sự “cởi trói” cho giáo viên (GV) trong việc dạy thêm ở ngoài nhà trường cho chính học sinh (HS) mà mình đang dạy hằng ngày trên lớp, và như vậy các thầy, cô giáo sẽ không còn phải thực hiện việc này một cách “kín đáo” nữa. Không ít người, thông qua mạng xã hội hoặc qua phần bình luận dành cho độc giả dưới các bài báo, đã bày tỏ ý kiến trước cơ hội “đàng hoàng dạy thêm” của các nhà giáo. Có người ủng hộ. Nhiều ý kiến băn khoăn về khả năng kiểm soát nguy cơ GV dạy thêm dành ưu ái cho HS tham gia lớp học thêm của mình hoặc tìm cách “gây sức ép” để HS phải học thêm, dù dự thảo Thông tư có đề ra nguyên tắc, yêu cầu, giải pháp kiểm tra, giám sát việc dạy thêm và tổ chức dạy thêm. Thậm chí có ý kiến đòi “cấm tiệt” việc học thêm bởi cho rằng gánh nặng học hành và áp lực thi cử đè nặng lên HS đủ lớn rồi.
Dù ủng hộ hay không đồng tình với văn bản nói trên thì không ai có thể phủ nhận nhu cầu dạy thêm, học thêm là có thật, thậm chí ở mức cao. Dạy thêm, học thêm trong năm học, dạy thêm, học thêm khi trẻ vẫn còn “thèm” nghỉ hè; dạy thêm, học thêm trong trường, dạy thêm, học thêm ngoài lớp; dạy thêm, học thêm vào buổi tối, trong ngày nghỉ cuối tuần vốn nên dành cho việc nạp lại năng lượng của cả thầy và trò... Trẻ học thêm ở trung tâm, học thêm ngoài trường với chính GV dạy mình ở lớp dù chưa có văn bản “cởi trói” kèm quy định, yêu cầu riêng cho việc này... Đó là những điều dễ thấy.
Như năm nay, nhiều tỉnh, thành phố có yêu cầu về thời gian học của HS trong dịp hè, quan điểm chung là dành thời gian cho trẻ được nghỉ hè đúng nghĩa. Tuy vậy, thực tế ở một số nơi không như mong muốn. Giữa tháng 7, nhất là đầu tháng 8, nhiều HS bắt đầu học thêm. Ngày 15-8, HS một số nơi bắt đầu lên lớp gần như hằng ngày; chưa kể trẻ tiểu học học online ngoài giờ và HS THCS không bỏ lớp dạy thêm của thầy cô giáo trường mình vào buổi chiều, tối, trong ngày cuối tuần... Sôi động nhất là khối lớp chuẩn bị cho kỳ thi “vào 10”. Vào ngày này, thành viên trong ban phụ huynh một lớp học cấp THCS nhắn vào group phụ huynh lời GV chủ nhiệm, đại ý vì đây là năm học rất quan trọng nên bố mẹ cố gắng cho con theo các buổi học thêm kể từ tháng 9. Kèm theo đó là thông báo số tiền học thêm tháng 8 (tổng số hơn 20 buổi cho 3 môn)...
Nói về sự nghiệp “trồng người”, chăm sóc trẻ em trên quan điểm “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Tất cả vì tương lai con em chúng ta” thì ngành Giáo dục là một trong nhiều ngành giữ vai trò, trách nhiệm quan trọng, dưới sự điều hành chung của Chính phủ. Như sự tồn tại khỏe mạnh của từng cây trong một rừng cây, những giải pháp của từng ngành không thể xa rời mục tiêu chung là nâng cao sức khỏe toàn dân, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giống nòi, tầm vóc và thể lực của người Việt Nam. Trong thực tế, chúng ta bàn về đẩy mạnh thể thao học đường, về giáo dục toàn diện, về khả năng tự học... Từng điều một đều liên quan đến công tác liên ngành, cần sự cộng đồng trách nhiệm không chỉ của các ngành liên quan mà còn của cha mẹ HS. Mỗi mắt xích lơi lỏng hoặc trong nhận thức chỉ thấy cây, không thấy rừng thì mục tiêu chung khó đạt được. Hình ảnh trẻ gà gật trên xe bố mẹ đưa đến trường; nhiều HS phải duy trì lịch học 2 buổi/ngày, chiều về sấp ngửa lao đến lớp học thêm hoặc ăn vội vàng cho kịp buổi học tối chính là động lực thúc đẩy xã hội tìm giải pháp giúp con em chúng ta.
Với việc dạy thêm, học thêm, vấn đề đặt ra trước cơ quan quản lý ngành không chỉ là hướng vào nhu cầu dạy thêm của giáo viên, nhu cầu học thêm của HS (đa số trường hợp phụ thuộc vào ý chí của phụ huynh), mà còn cần xem xét vấn đề trong mối quan hệ với sức khỏe, tâm lý, nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, tự học của HS và khả năng bảo đảm sức khỏe, sự toàn tâm toàn ý cho việc dạy chính khóa của GV. Dù Thông tư nói trên có được ban hành hay không thì ngành Giáo dục cũng cần có thêm đề án đánh giá tổng thể tác động về nhiều mặt của việc dạy thêm, học thêm một cách nghiêm túc, từ đó có sự điều chỉnh hoặc tăng khả năng giám sát, xử lý vi phạm. Những việc này, không nằm ngoài mục tiêu “vì tương lai con em chúng ta”.