Hà Nội kết nối

Ấn tượng từ Lễ hội Sầu riêng lớn nhất Tây Nguyên

Đắc Sơn 02/09/2024 - 15:56

Ngày 2-9 là ngày kết thúc Lễ hội sầu riêng Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) lớn nhất Tây Nguyên. Diễn ra từ ngày 31-8, lễ hội đã có nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực tôn vinh một trong những trái cây xuất khẩu chủ đạo của vùng.

Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024 với 12 hoạt động phong phú, thiết thực, lễ hội nhằm quảng bá thương hiệu sầu riêng Krông Pắc; giới thiệu hình ảnh, con người huyện Krông Pắc đến du khách trong và ngoài nước.

Đây còn là dịp tôn vinh nông dân sản xuất nông nghiệp, nhất là người trồng sầu riêng, những người đã tạo nên thương hiệu đặc sản của huyện.

a129.jpg
Nhân dịp này, đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố quyết định và trao kỷ lục UBND huyện Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk) sở hữu "Con rồng dài nhất Việt Nam" với độ dài 120m. Ảnh: BTC

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pắc Trần Hồng Tiến, cây sầu riêng được trồng tại Krông Pắc đã gần 100 năm nay, hiện đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất cây ăn trái của huyện, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Sầu riêng ban đầu chỉ là cây trồng xen canh, nay đã trở thành hàng hóa xuất khẩu tạo nên thương hiệu "Sầu riêng Krông Pắc" nổi tiếng thị trường trong nước và quốc tế.

a130.jpg
Trước đó, ngày 1-9, đã diễn ra Lễ hội đường phố năm nay có sự góp mặt của 37 đơn vị, biểu diễn những tiết mục nghệ thuật ấn tượng, tạo không khí sôi động, vui tươi, phấn khởi. Ảnh: BTC.
a124.jpg
Màn diễu hành tôn vinh trái sầu riêng tại Lễ hội đường phố. Ảnh: BTC
a111.jpg
Cây sầu riêng nay đã là cây trồng mang lại lợi ích cao cho người dân Krông Pắc nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung. Ảnh: BTC
a126.jpg
Lễ hội đường phố còn là cơ hội để kết nối, quảng bá du lịch đến với bạn bè trong nước và quốc tế, phát huy giá trị văn hóa - kinh tế về sầu riêng, nâng tầm sầu riêng Krông Pắc. Ảnh: BTC.

Hiện này toàn huyện Krông Pắc có hơn 8.000 ha sầu riêng, trong đó hơn 4.000 ha kinh doanh, sản lượng thu hoạch năm 2024 dự kiến khoảng 92.000 tấn. Tháng 3-2022, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Sầu riêng Krông Pắc".

a120(1).jpg
Tối 1-9, đã diễn ra Phiên đấu giá "Nữ hoàng sầu riêng". Số tiền đấu giá thu được từ 3 trái cây nữ hoàng là hơn 2,6 tỷ đồng, sẽ được dùng phục vụ công tác an sinh xã hội và tái đầu tư cho người nông dân trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc. Ảnh: BTC.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024 là một hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực, các hoạt động đều lấy người nông dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

a113.jpg
Qua Lễ hội, tỉnh Đắk Lắk mong muốn quảng bá hơn nữa trái sầu riêng đặc sản, tạo thế mạnh riêng cho nông sản địa phương. Ảnh: BTC

Đây cũng chính là dịp định hướng chiến lược phù hợp để phát triển tiềm năng, thế mạnh, lợi thế cạnh tranh khác biệt của ngành hàng cây ăn trái nói chung và ngành hàng sầu riêng nói riêng của huyện Krông Pắc cũng như của tỉnh Đắk Lắk.

Theo Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, dự kiến năm 2024, diện tích sầu riêng của tỉnh đạt khoảng 34.000-35.000ha, sản lượng đạt trên 300.000 tấn. Đắk Lắk đã vươn lên đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng sầu riêng, đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu sầu riêng chung của cả nước.

a112.jpg
Sầu riêng Đắk Lắk đang được xuất khẩu sang 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ảnh: BTC.

Hiện nay, sầu riêng đông lạnh Việt Nam xuất khẩu sang 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hoa Kỳ… Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh ngành hàng sầu riêng có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400 - 500 triệu USD ngay trong năm 2024. Năm 2025, khi thị trường xuất khẩu chính ngạch sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc ổn định, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng mạnh so với năm 2024.