Mới lạ với cải lương đề tài trí tuệ nhân tạo
Vở diễn mới nhất của Nhà hát Cải lương Việt Nam mang tên “Cánh cửa khép hờ” đi vào đề tài khoa học viễn tưởng đầy khác lạ và độc đáo: Tình trạng lạm dụng công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo (AI).
Tác phẩm của đạo diễn Triệu Trung Kiên xóa tan nghi ngại về việc nghệ thuật truyền thống nói chung và cải lương nói riêng khó đi vào đề tài hiện đại hay khoa học viễn tưởng.
Với khát khao đổi mới cải lương, dấn thân vào những thử nghiệm táo bạo, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên “bắt tay” cùng tác giả Hoàng Song Việt viết kịch bản vở diễn về vấn đề chưa từng xuất hiện trên sân khấu của bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
“Cánh cửa khép hờ” kể câu chuyện về một cặp vợ chồng doanh nhân thành đạt. Với mong muốn 20 năm nữa có một người kiệt xuất thay thế mình quản lý tập đoàn, họ đã tìm đến một nhà khoa học để ứng dụng công nghệ biến đổi gen tạo ra một đứa trẻ thông minh, giỏi giang hơn người.
Tuy nhiên, càng lớn lên, đứa con đó của họ càng trở nên khác thường. Ngoài thông minh, xuất sắc, cậu chàng này còn có những khả năng đột biến khác mà không ai có thể lường trước được. Từ đó, liên tiếp những tình huống, sự việc liên quan đến các vấn đề, khái niệm, giả thuyết khoa học mà người ta mới chỉ đọc qua sách báo hay biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, được đưa vào kịch bản.
Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên cho hay đã nung nấu đề tài này từ nhiều năm, bởi hiện nay công nghệ biến đổi gen và AI đang phát triển nhanh và mạnh mẽ. Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại mang lại nhiều tiện ích, giải phóng sức lao động của con người nhưng cũng có những mặt trái. Vở diễn là lời cảnh tỉnh nhân loại trước các xu thế lạm dụng công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo đang diễn ra tràn lan hiện nay; đồng thời khẳng định, mỗi bước tiến của nền văn minh nhân loại phải luôn song hành, thân thiện với các quy luật của tự nhiên.
Nội dung là như vậy, nhưng để đưa được lên sân khấu đã là thách thức, với sân khấu cải lương mà người xem mặc định là ủy mị, sướt mướt thì càng gian nan hơn. Bên cạnh sử dụng ngôn ngữ của nghệ thuật cải lương truyền thống là âm nhạc cổ, hát kịch, múa, đạo diễn đẩy vào những yếu tố hiện đại, khá quen mắt với khán giả hiện nay như trang phục ánh kim, chuyển động như người máy, hiệu ứng màn hình LED, nhạc rap, nhảy hiện đại…
Đặc biệt, tính ước lệ của sân khấu truyền thống lại là lợi thế trong đề tài khoa học viễn tưởng, được đạo diễn khéo léo tận dụng để đưa người xem dễ dàng bước vào bối cảnh những năm 2045 trong câu chuyện. Cùng với nội dung thời thượng, thì diễn tiến nhanh, tình huống sôi nổi cũng là một điểm tốt của vở diễn để cuốn hút khán giả hiện nay, nhất là các bạn trẻ.
“Cánh cửa khép hờ” do Đoàn thể nghiệm của Nhà hát Cải lương Việt Nam thể hiện. Hai diễn viên Minh Hải và Như Quỳnh tiếp tục cho thấy sự mạnh dạn dấn thân, không lặp lại chính mình khi vào vai vợ chồng Chủ tịch tập đoàn Thắng và Huyền. Lần đầu đảm nhiệm vai chính, Hoàng Tuấn Thịnh hóa thân thành chàng trai Kỷ Nguyên - sản phẩm của công nghệ mới, khá vững, nhất là lúc vật lộn giữa phần người và phần quỷ… Các vai diễn phụ đều thể hiện được nét duyên, đủ để người xem nhớ tới.
Trước đây, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên cũng khiến khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những thử nghiệm mới trong cải lương như khai thác đề tài kinh dị hay kết hợp với nghệ thuật múa rối, xiếc, ảo thuật…
Đúng như quan niệm của người đứng đầu Nhà hát Cải lương Việt Nam, cải lương là phải luôn cách tân, thậm chí quyết liệt đến mức cải lương “đổi mới hay là chết”, tác phẩm “Cánh cửa khép hờ” một lần nữa cho thấy sự sáng tạo không ngừng nghỉ, không ngại dấn thân vào đề tài hóc búa của Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên, để làm phong phú món ăn tinh thần, đưa nghệ thuật cải lương tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả hơn.
“Nghệ thuật không có giới hạn, song song với bảo tồn cải lương truyền thống, chúng tôi tìm mọi cách để phát triển nghệ thuật này trong thời gian tới”, Nghệ sĩ nhân dân Triệu Trung Kiên nói.