Kinh tế

Khẳng định vị trí trên bản đồ kinh tế quốc tế

Hồng Sơn 02/09/2024 - 07:19

Trong khi cả dân tộc hân hoan chào đón Ngày Quốc khánh 2-9, nhiều tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước đã đưa ra những bình luận, phân tích, cũng như dự báo về khả năng bứt phá mạnh mẽ đã hình thành như một xu hướng rõ rệt của nền kinh tế Việt Nam.

Thực tế cho thấy, trong khoảng 20 năm qua, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, có đủ bản lĩnh, trí tuệ và khát vọng để định vị hình ảnh mới trên bản đồ kinh tế quốc tế trong tương lai gần.

kt1.jpg
Sản xuất máy in tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam

Tăng trưởng kinh tế hàng đầu khu vực

Theo Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới của Trung tâm Tư vấn CEBR (Anh) vừa công bố, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới trong năm 2023, với quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 434 tỷ USD. Vị trí này dự kiến có thể tăng nhanh, đạt thứ hạng 24 vào năm 2033 và sau đó trở thành nền kinh tế lớn thứ 21 thế giới vào năm 2038. Với tiềm năng lớn, ưu thế dân số đông và trẻ, cùng sự năng động, Việt Nam có cơ hội vượt qua các nước trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN) về kinh tế, rồi trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Trên thực tế, quy mô nền kinh tế nước ta đạt mốc 400 tỷ USD vào cuối năm 2022, tức là tăng hơn 10 lần so với năm 2000. Trong 6 tháng năm 2024, GDP tăng 6,42% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp tục đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia tăng trưởng hàng đầu khu vực. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.

Như vậy, không chỉ gia tăng về lượng, cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng cũng đang thay đổi, dịch chuyển theo hướng hiện đại và hợp lý hơn. Trong khi đó, cán cân thương mại xuất siêu 11,63 tỷ USD giá trị hàng hóa.

Nền kinh tế tiếp tục gia tăng sức cạnh tranh, hấp dẫn đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh. Điều đó lý giải vì sao vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 7 tháng năm 2024 đạt 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó vốn giải ngân đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%.

Điểm sáng nữa là tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước phục hồi rõ nét ở nhiều ngành, lĩnh vực đã tạo động lực thu hút và thực hiện vốn đầu tư nói chung. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, nền kinh tế Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định, lạm phát được kiềm chế, số doanh nghiệp mới tăng trở lại, đầu tư tư nhân phục hồi… Đó là những thực tế rất tích cực.

Mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 6,1% trong năm 2024, và lên 6,5% trong các năm 2025, 2026. Trước đó, WB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,5% trong năm nay.

kt2.jpg

Phía trước là cơ hội tăng tốc

Đánh giá quan trọng, đáng ghi nhận nhất là Việt Nam thuộc nhóm quốc gia tăng trưởng kinh tế hàng đầu khu vực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn. Thực tế này khẳng định các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công tác điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thu được hiệu quả tích cực. Yêu cầu đặt ra là tiếp tục phát huy những giải pháp phù hợp, linh hoạt và nhất quán trong hành động, nhằm đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong thời gian tới.

Trước hết, Việt Nam đang đứng trước vận hội mới, hứa hẹn là tác nhân kích đẩy nền kinh tế tăng trưởng cả trên diện rộng cũng như chiều sâu, nâng vị thế đất nước lên tầm cao mới. Đó là làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu trong nỗ lực phân bổ, bố trí lại địa bàn sản xuất của các tập đoàn quốc tế nắm trong tay công nghệ lõi, kỹ thuật hiện đại, như điện tử, chế tạo chính xác, năng lượng xanh, kinh tế số, chip bán dẫn... Nhiều doanh nghiệp lớn đang hướng sự quan tâm, tìm hiểu cơ hội hiện thực hóa việc đặt cơ sở sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam. Câu chuyện còn lại là làm sao đáp ứng tốt và kịp thời những nhu cầu không đơn giản của họ.

Chính phủ sẽ tập trung cải cách, điều hành linh hoạt để “đón sóng” và giữ chân “đại bàng”, kết hợp với nội lực để gia tăng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu đối với những lĩnh vực quan trọng nhất của nhân loại. Một số chuyên gia cho rằng, nếu ngành công nghiệp bán dẫn thành công theo chiến lược đề ra, các lĩnh vực số bứt phá, tận dụng triệt để thành tựu công nghệ và áp dụng đồng bộ trong sản xuất công nghiệp, chắc chắn quy mô nền kinh tế Việt Nam sớm vượt mốc 1.000 tỷ USD.

Ở góc nhìn ngắn hạn, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động cải cách thể chế kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư, tìm kiếm những cơ hội mới cho xuất khẩu, khi nhu cầu tiêu dùng thế giới dần hồi phục vào những tháng cuối năm. Các chuyên gia nhận định, từ nay đến hết năm 2024 sẽ có một số thuận lợi cho tăng trưởng đến từ lĩnh vực du lịch, tiêu dùng trong nước khi được hậu thuẫn bởi chính sách giảm thuế. Có 40,7% doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo lạc quan dự báo tình hình sẽ tốt hơn trong quý III-2024.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu Chính phủ rà soát, tháo gỡ ngay các quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đi đôi với nghiên cứu các chính sách quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp "đầu đàn" và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới… Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cần đẩy nhanh tốc độ giải ngân và có nhiều giải pháp sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công; từ đó dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.

Còn Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương kiến nghị đẩy mạnh tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.

Với những giải pháp hiệu quả, cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, có thể tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá ngoạn mục trên con đường “hóa rồng” của dân tộc.

Một số kết quả phát triển kinh tế của Hà Nội

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2024 của Hà Nội tăng 6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,53%; quý II tăng 6,44%).

Tháng 7-2024, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tiếp tục phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 2,3% so với tháng 6 và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023. 7 tháng năm 2024, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho gần 18.000 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký 162.100 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố thu hút 1,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố cũng tăng khá, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng chung, đạt 475,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 7 tháng năm 2024 ước thực hiện 337,2 nghìn tỷ đồng, đạt 82,5% dự toán pháp lệnh năm và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước.
Lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt 2,4 triệu lượt, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ.