Thượng tá, Nghệ sĩ Ưu tú Thúy Nội: Luôn cố gắng từng ngày để không ngừng tiến bộ
Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp ca hát, giảng dạy, Thượng tá, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thúy Nội (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội) luôn được đồng nghiệp, học trò nhớ đến với hình ảnh một người nghệ sĩ, một nhà giáo linh hoạt, sáng tạo trong cả biểu diễn và giảng dạy.
Đặc biệt, chị thường được “chọn mặt gửi vàng” trong các chương trình biểu diễn tại nước bạn Lào cũng như đào tạo sinh viên Lào đang học tập tại trường. Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Quang Thọ từng khẳng định: “Thúy Nội có chất giọng tốt, có thể hát được rất nhiều thể loại âm nhạc”.
1. Phải sau nhiều lần hẹn, NSƯT Thúy Nội mới dành cho tôi một cuộc gặp. Việc giảng dạy, biểu diễn bận rộn khiến chị như con thoi giữa công việc bộn bề. Lúc thì gặp chị ở Kon Tum, biểu diễn trong chương trình đối ngoại của Bộ Quốc phòng; lúc lại thấy chị trong bộ trang phục cô gái Lào biểu diễn tại đất nước Triệu Voi... Ấn tượng đầu tiên với tôi, chị trông khá trẻ trung so với tuổi 50 của mình. Sinh ra ở vùng mỏ Quảng Ninh nhưng gốc gác bên nội nhà chị lại ở quận Tây Hồ, bởi thế trong cách ứng xử, giao tiếp chị có nhiều nét giống người Hà Nội.
Nhiều đồng nghiệp của nghệ sĩ Thúy Nội đều chung nhận xét, chị là người nhiệt tình với công việc, luôn sẵn sàng chỉ bảo cho các giảng viên mới vào nghề. Thiếu tá, nhạc sĩ Dương Trọng Thành, giảng viên khoa Quản lý văn hóa, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, chia sẻ: “Giảng viên âm nhạc cần rất nhiều sự trải nghiệm, vốn sống phong phú, phương pháp linh hoạt. Chính thời gian dài công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc quân đội đã giúp nghệ sĩ Thúy Nội có kiến thức, sự va vấp mà trường lớp không dạy”.
Chuẩn úy Khăn Thạ Ly, học viên Lào năm thứ ba, khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, vẫn còn nhớ như in thời điểm mới sang Việt Nam, “lạ nước, lạ cái” nhưng với sự giúp đỡ, dạy bảo của NSƯT Thúy Nội, chị đã nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống và môi trường học tập ở Việt Nam. Chị bảo, NSƯT Thúy Nội không chỉ dạy cách phát âm ca từ, kỹ thuật thanh nhạc mà còn giảng dạy rất kỹ về nội dung, ý nghĩa của từng bài hát để chị thể hiện bài hát một cách tốt nhất. “Văn hóa Việt Nam rất đa dạng và phong phú, bởi vậy khi có sự đồng hành của cô Thúy Nội, tôi đã dần tiếp cận được những mảng kiến thức vô cùng rộng lớn” - Khăn Thạ Ly chia sẻ.
2. NSƯT Thúy Nội sinh ra trong một gia đình không có truyền thống âm nhạc. Tuy vậy, vùng mỏ Cẩm Phả, nơi chị lớn lên có phong trào văn hóa, văn nghệ rất phát triển. Hơn nữa đất mỏ cũng là nơi sản sinh ra nhiều giọng ca nổi tiếng của Việt Nam, như NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ..., bởi thế ý thức trở thành ca sĩ đã luôn giục giã chị. Chị kể, ngày ấy, mỗi buổi tối, trẻ em trong khu lại tụ tập múa hát và trong khu mỏ thường xuyên tổ chức các hoạt động ca hát, các cuộc thi. Chị hé lộ tài năng âm nhạc khá sớm, năm học lớp 3 đã giành giải A Hội thi “Tiếng hát Hoa phượng đỏ” thị xã Cẩm Phả (nay là thành phố Cẩm Phả) với bài hát “Màu áo chú bộ đội”; năm lớp 10 chị giành giải Nhất cuộc thi Giọng hát trẻ Quảng Ninh với bài hát “Thành phố mười mùa hoa”.
Chuyện Thúy Nội được chọn đi học tại Hà Nội là mối duyên bất ngờ. Lúc ấy, chị đang là diễn viên Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh và để có thêm thu nhập, vào các buổi tối chị nhận lời đến hát tại các quán cà phê, phòng trà. “Bất chợt vào một buổi tối, khi Thúy Nội vừa hát xong bài hát “Tìm tên anh trên bờ cát” của nhạc sĩ Duy Thái thì có mấy người đến hỏi: “Em có muốn về Hà Nội hát không?”. Thì ra đó là các nhạc sĩ, nghệ sĩ Ứng Duy Thịnh, Tạ Tiến, Doãn Tần của Đoàn Ca múa nhạc Tổng cục Chính trị (nay là Nhà hát Ca múa nhạc quân đội) về Quảng Ninh tuyển quân. "Lúc ấy tôi chưa biết các thầy là ai, cũng chưa muốn rời xa mảnh đất mỏ nên từ chối. Sau đó, các thầy đã đến động viên lãnh đạo Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh và cuối cùng tôi gật đầu đồng ý. Ngày 15-4-1993, tôi khăn gói lên Hà Nội và tháng 11-1993 thì mang quân hàm Thiếu úy” - chị nhớ lại.
Sau 2 năm biểu diễn phục vụ bộ đội ở nhiều nơi, từ vùng biên cương đến hải đảo, năm 1995, Thúy Nội được cử đi học lớp trung cấp thanh nhạc K20 (niên khóa 1995 - 1999). Năng nổ, nhiệt huyết, có tài, chị đã gặt hái thành công ngay từ khi còn là sinh viên, giành nhiều giải thưởng ý nghĩa: Huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, Huy chương Vàng Hội diễn tiếng hát sinh viên toàn quốc năm 1996. Lúc này, thầy Dương Minh Đức (hiện là Đại tá, NSND, từng giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội) là Trưởng khoa đã tiên đoán Thúy Nội sẽ tiến xa trên con đường nghệ thuật.
3. Hai mươi mốt năm công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc quân đội, NSƯT Thúy Nội nghĩ đã đến lúc mình cần có sự thay đổi. “Thầy già, con hát trẻ”, nếu cứ ở mãi Nhà hát chị sẽ khó phát huy khả năng của mình, bởi thế, chị đã chọn “bến đỗ” mới là Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Trong hơn 2 năm tham gia cộng tác, chị khẳng định mình là một giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, vì thế, năm 2016, chị chính thức được nhà trường nhận về khoa Thanh nhạc. Từ đó đến nay, chị đã góp phần đào tạo nhiều lứa học viên xuất sắc, nhiều người trong số đó hiện là giọng ca đầy triển vọng ở các đoàn nghệ thuật trong và ngoài quân đội, như ca sĩ Nhật Anh (Nhà hát Tuổi trẻ), Thúy An (Đoàn Văn công Quân khu 7), Bảo Trang, Khúc Hoàng Hà My...
Thúy Nội có tinh thần vươn lên không mệt mỏi. Dù cuộc sống gia đình có những trắc trở nhưng chị đã học từ Trung cấp, qua Cao đẳng lên Đại học rồi lên đến Thạc sĩ. Với chị, kiến thức thanh nhạc rất phong phú, rộng lớn, cần cả kiến thức trong sách vở lẫn thực tế ngoài đời, đòi hỏi người giảng viên phải không ngừng trau dồi, rèn luyện, nắm bắt những xu hướng âm nhạc mới. Đặc biệt, giảng viên thanh nhạc phải có kinh nghiệm biểu diễn, kinh nghiệm xử lý các tình huống trên sân khấu một cách khéo léo, nhuần nhuyễn. Bởi thế, chị luôn cố gắng từng ngày để không ngừng tiến bộ.
Nhiều người thấy Thúy Nội mặc trang phục người Lào và hát nhạc Lào thì cứ ngỡ chị là con gái Lào. Bởi chị hiểu khá kỹ văn hóa của người Lào, từ trang phục đến văn hóa ứng xử, nếp sống... “Tôi học hỏi kiến thức văn hóa của người Lào từ người bản địa trong các chuyến công tác tại đây, và đặc biệt là từ các học viên người Lào mà tôi đang giảng dạy tại trường. Tôi nghĩ rằng, âm nhạc cũng chính là văn hóa; ca hát mà không hiểu văn hóa thì sẽ không còn là nghệ thuật” - chị chia sẻ.
Thượng tá, NSƯT Thúy Nội (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Nội) sinh năm 1974 tại Cẩm Phả (Quảng Ninh), quê gốc ở Tây Hồ (Hà Nội). Năm 2012, chị được trao danh hiệu NSƯT. Trong sự nghiệp biểu diễn, chị đã giành được một số giải thưởng, như Huy chương Vàng Giọng hát ngành than năm 1990, Huy chương Vàng Giọng hát phụ nữ tỉnh Quảng Ninh năm 1991, Huy chương Bạc Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân các năm 2003, 2008...