Giáo dục

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương: Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, lớp cục bộ

Hồng Hạnh 01/09/2024 - 06:50

Ít ngày nữa, cùng với cả nước, gần 2,3 triệu học sinh Hà Nội chính thức bước vào năm học 2024-2025. Với mạng lưới trường học lớn, quy mô học sinh tăng trong khi yêu cầu nhiệm vụ, đòi hỏi của xã hội ngày càng cao, đặt ra nhiều thách thức với Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới, chia sẻ về những khó khăn, thách thức cũng như giải pháp khắc phục của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trước thềm năm học mới.

giam-doc-so-giao-duc-va-dao.jpg
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương. Ảnh: Quang Thái

Kết quả giáo dục tiếp tục khởi sắc

- Năm học mới, quy mô ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phát triển thế nào, thưa đồng chí?

- Năm học 2024-2025, quy mô giáo dục của thành phố chúng ta tiếp tục phát triển mạnh, dẫn đầu cả nước với 2.913 trường, gần 2,3 triệu học sinh, hơn 130.000 cán bộ, giáo viên. Chuẩn bị đón năm học mới, thành phố tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới trường lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng từng bước kiên cố hóa, chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới.

- Đồng chí đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong năm học vừa qua?

- Năm học 2023-2024 là năm thứ 10 ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Cùng với sự phát triển bền vững của Thủ đô, sự nghiệp giáo dục có nhiều khởi sắc với những kết quả đạt được toàn diện ở các cấp học. Chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm. Học sinh Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế.

- Đâu là điểm nhấn của giáo dục thành phố trong năm học vừa qua, thưa đồng chí?

- Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục đại trà. Với hơn 100.000 thí sinh - dẫn đầu cả nước về số lượng thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông, song tỷ lệ tốt nghiệp toàn thành phố đạt 99,81%, tăng 0,25% và 5 bậc về thứ hạng so với năm 2023, từ vị trí thứ 16 vươn lên xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố.

Hà Nội còn tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng bài thi đạt điểm 10 nhiều nhất với 915 bài. Trong tổng số 200 thí sinh cả nước có tổng điểm thi cao nhất, Hà Nội có 33 thí sinh, trong đó có 1 em có tổng điểm thi cao nhất cả nước là 57,85 điểm. Thành phố có 194/269 trường có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, tăng 54% so với năm 2023. Điểm trung bình nhiều môn thi của học sinh Hà Nội cao hơn so với điểm thi trung bình của học sinh cả nước.

Đáng chú ý, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông ở khối giáo dục thường xuyên Hà Nội năm nay đạt 99,12%, cao hơn 2,24% so với tỷ lệ tốt nghiệp chung đối với khối giáo dục thường xuyên của cả nước, cao nhất trong 5 năm qua. Đây là minh chứng cho sự kiên trì nỗ lực của cả người học, người dạy cũng như hiệu quả đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo của thành phố với mục tiêu nâng cao chất lượng dân trí, bảo đảm chất lượng giáo dục đại trà một cách bền vững và toàn diện.

Cùng với đó, kỳ tuyển sinh năm học 2024-2025, Hà Nội đã khắc phục được hiện tượng phụ huynh học sinh xếp hàng từ nửa đêm để nộp hồ sơ. Đây là kỳ tuyển sinh đầu tiên Hà Nội yêu cầu tất cả các trường ngoài công lập áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến và nhận được sự đồng thuận. Công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp được thực hiện ổn định, nền nếp; tỷ lệ đăng ký tuyển sinh trực tuyến cao, góp phần tăng minh bạch, giảm vất vả cho phụ huynh học sinh.

co-so-vat-chat-duoc-dau-tu-.jpg
Trường Tiểu học Tân Hội B (huyện Đan Phượng) được đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại bảo đảm nhu cầu dạy và học. Ảnh: Nguyễn Quang

Kiên trì giải bài toán thiếu trường, lớp

- Đồng chí có thể chia sẻ thách thức lớn nhất của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hiện nay là gì?

- Khó khăn của thành phố hiện nay là việc phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch tại một số địa bàn chưa đáp ứng được tốc độ gia tăng dân số; tiến độ triển khai một số dự án xây dựng trường học trong quy hoạch còn chậm. Tại một số trường ở các quận như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa..., vẫn còn tình trạng sĩ số học sinh/lớp cao hơn điều lệ trường học.

Với áp lực từ việc gia tăng dân số cơ học, số học sinh hằng năm tăng mạnh, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp để giải quyết bài toán quá tải trường, lớp ở một số địa bàn.

- Để giải quyết bài toán quá tải trường, lớp đòi hỏi sự chung sức của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của ngành Giáo dục và Đào tạo rất lớn. Giải pháp nào sẽ được ngành tập trung triển khai, thưa đồng chí?

- Trong 10 nhiệm vụ chủ yếu năm học 2024-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp. Trong bối cảnh tốc độ gia tăng dân số nhanh, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường tham mưu với thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả việc rà soát bổ sung, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Sở cũng sẽ tăng cường tham mưu thành phố bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục; kiên trì và quyết liệt trong việc giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp học tại một số địa phương, nhất là tại các quận trung tâm; quan tâm sửa chữa, nâng cấp trường học, hệ thống nhà vệ sinh, cây xanh, tạo dựng môi trường sư phạm xanh, sạch, đẹp, an toàn và thân thiện.

Đồng thời, Sở tham mưu với thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, tiến tới có từ 80% đến 85% số trường học đạt chuẩn vào năm 2025 như chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố đề ra.

- Năm học 2024-2025 có ý nghĩa đặc biệt khi Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được thông qua. Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có kế hoạch gì để triển khai nội dung này?

- Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tích cực, chủ động tham mưu UBND thành phố những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để khai thác hiệu quả lợi thế, tiềm năng phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô.

Cũng trong năm học mới, cùng với việc phát triển quy mô, Hà Nội cũng sẽ tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; từng bước xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.

- Tại kế hoạch nhiệm vụ năm học mới ban hành ngày 26-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh. Xin đồng chí chia sẻ về kế hoạch của Hà Nội để triển khai nội dung này?

- Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. Bên cạnh tiếng Anh, căn cứ điều kiện thực tế, nhiều trường học đã tổ chức dạy học các thứ tiếng khác như Đức, Pháp, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc... Ngoại ngữ cũng là thế mạnh của học sinh Thủ đô, thể hiện ở việc hằng năm số học sinh đủ điều kiện miễn thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở môn học này ngày càng cao. Ví dụ, năm 2024, cả nước có gần 67.000 thí sinh được miễn thi ngoại ngữ thì Hà Nội có hơn 21.500 thí sinh. Năm 2023, Hà Nội có gần 16.000 thí sinh thuộc diện này.

Để đạt mục tiêu đào tạo học sinh thành công dân toàn cầu, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh, trong đó có việc tổ chức các khóa đào tạo nâng chuẩn trình độ cho giáo viên tiếng Anh ở trong nước và cả nước ngoài. Mới đây (ngày 26-8-2024), Hà Nội đã khai giảng lớp đào tạo nâng chuẩn IELTS quốc tế cho 1.900 giáo viên tiếng Anh đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam. Lực lượng này sẽ bổ sung vào nguồn đội ngũ giáo viên cốt cán của các trường, từ đó lan tỏa kinh nghiệm, phương pháp dạy, học tiếng Anh hiệu quả ở các trường học trên địa bàn thành phố.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!