Văn hóa

Tin tức đặc biệt trên báo in Hànộimới ngày 1-9-2024

Thư Ký 01/09/2024 - 06:20

Tỷ giá “hạ nhiệt”: Tạo điều kiện hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, lớp cục bộ; Tái chế phế thải xây dựng: Để không lãng phí “tài nguyên”; “Theo dấu chân Người” đến Ngày Độc lập; Thủ đô rực rỡ sắc màu đón mừng Quốc khánh 2-9… là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànộimới số ra ngày 1-9-2024.

Tỷ giá “hạ nhiệt”: Tạo điều kiện hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

giao-dich-usd-tai-ngan-hang-thuong-mai-co-phan-dau-tu-va-phat-trien-viet-nam-bidv-.-quang-thai.jpg
Giao dịch USD tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ảnh: Quang Thái

Nhiều dự báo cho thấy, VND có thể tăng giá trở lại, dự kiến tỷ giá USD/VND sẽ xoay quanh mức hiện tại cho đến cuối năm 2024. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể quyết định hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9-2024 có thể góp phần ổn định tỷ giá hối đoái và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, tỷ giá giảm sẽ có lợi cho trả nợ nước ngoài bằng chính đồng USD và có lợi hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, vì chênh lệch lãi suất ít đi, cộng thêm tỷ giá ổn định tạo ra tâm lý khá yên tâm.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương:
Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, lớp cục bộ

Ít ngày nữa, cùng với cả nước, gần 2,3 triệu học sinh Hà Nội chính thức bước vào năm học 2024-2025. Với mạng lưới trường học lớn, quy mô học sinh tăng trong khi yêu cầu nhiệm vụ, đòi hỏi của xã hội ngày càng cao, đặt ra nhiều thách thức với Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương đã trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới, chia sẻ về những khó khăn, thách thức cũng như giải pháp khắc phục của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trước thềm năm học mới.

co-so-vat-chat-duoc-dau-tu-dong-bo-hien-dai-bao-dam-nhu-cau-day-va-hoc-tai-truong-tieu-hoc-tan-hoi-b-huyen-dan-phuong-.-anh-nguyen-quang.jpg
Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại bảo đảm nhu cầu dạy và học tại Trường Tiểu học Tân Hội B (huyện Đan Phượng). Ảnh: Nguyễn Quang

Trong 10 nhiệm vụ chủ yếu năm học 2024-2025, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp. Trong bối cảnh tốc độ gia tăng dân số nhanh, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường tham mưu với thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả việc rà soát bổ sung, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Sở cũng sẽ tăng cường tham mưu thành phố bố trí đủ nguồn lực cho giáo dục; kiên trì và quyết liệt trong việc giải quyết dứt điểm việc thiếu trường, lớp học tại một số địa phương, nhất là tại các quận trung tâm…

Tái chế phế thải xây dựng: Để không lãng phí “tài nguyên”

Từ 8.000 đến 10.000 tấn chất thải rắn xây dựng phát sinh mỗi ngày trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gây áp lực không nhỏ lên công tác quản lý, cũng như tác động tiêu cực đến môi trường. Mặt khác, với yêu cầu cấp thiết sử dụng vật liệu xây dựng mới, vật liệu tái chế, nguồn chất thải rắn xây dựng cũng chính là “tài nguyên” cần nhanh chóng được ứng dụng các công nghệ để tái sử dụng.

day-chuyen-tai-che-chat-thai-xay-dung-cua-cong-ty-co-phan-dich-vu-san-xuat-toan-cau-quan-hoang-mai-..jpg
Dây chuyền tái chế chất thải xây dựng của Công ty cổ phần Dịch vụ sản xuất Toàn Cầu (quận Hoàng Mai).

Đặc biệt, theo PGS. TS Nguyễn Hoàng Giang, thành phố Hà Nội cần có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy để thu hút sự tham gia của doanh nghiệp bởi các doanh nghiệp sẽ là những đơn vị trực tiếp tham gia, thu gom, phân loại, tái chế. Vật liệu tái chế được coi là nguồn tài nguyên, đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào công nghệ và nhân lực để có hướng phát triển bền vững, vừa tránh lãng phí nguồn tài nguyên này, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

“Theo dấu chân Người” đến Ngày Độc lập

Tiếp nối cuốn “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” (xuất bản lần đầu năm 1996), đúng vào dịp Quốc khánh năm nay, Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú đã giới thiệu đến bạn đọc cuốn truyện, ký “Theo dấu chân Người”. Tác phẩm kể về hành trình 30 năm Bác bôn ba khắp các châu lục tìm đường cứu nước, hướng đến ngày độc lập cho dân tộc.

quang-canh-le-ra-mat-tap-truyen-ky-theo-dau-chan-nguoi-cua-giao-su-tien-si-nha-van-trinh-quang-phu.-anh-mai-lu.png
Quang cảnh lễ ra mắt tập truyện, ký "Theo dấu chân Người" của Giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Trình Quang Phú. Ảnh: Mai Lữ

“Tác phẩm “Theo dấu chân Người” là cuốn truyện, ký với những tư liệu chính xác, có thật trong cuộc đời, sự nghiệp, tâm hồn, cốt cách, tư tưởng Hồ Chí Minh. Với nghệ thuật kể chuyện tài tình, chân thực, giản dị và có tình yêu mãnh liệt, vượt qua mọi rào cản, nhà văn Trình Quang Phú đã đem đến bạn đọc hôm nay một tình cảm lớn hơn, sâu sắc hơn, một cách nhìn rộng mở, khoa học, nhân văn và đầy tư tưởng về Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Thủ đô rực rỡ sắc màu đón mừng Quốc khánh 2-9

quoc-khanh.jpg
Cụm thông tin tuyên truyền nổi bật ở khu vực hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm).

Những ngày này, phố, phường của Thủ đô Hà Nội được trang hoàng rực rỡ sắc màu của cờ, hoa, băng rôn, pa nô, áp phích… chào mừng kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024). Niềm vui của ngày lễ cùng bầu không khí tưng bừng tràn ngập khắp nơi khiến mọi người thêm tự hào, nâng cao trách nhiệm chung tay dựng xây Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.