Hấp dẫn đêm hội Trung thu làng cổ Đường Lâm
Tối 31-8, tại thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) diễn ra Chương trình “Trung thu làng cổ” năm 2024.
Đây là sự kiện được UBND xã tổ chức nhằm mang đến cho thiếu nhi trên địa bàn một Tết Trung vui tươi, phấn khởi.
Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Phạm Thị Lệ Thủy cho biết, Chương trình “Trung thu làng cổ” có nhiều hoạt động đặc sắc như: Hội thi mô hình đèn trung thu và diễu hành đèn tại không gian Cổng làng cổ Đường Lâm với sự tham dự của 9 thôn.
Các mô hình đèn trung thu của các đội được mô phỏng theo hình tượng nhân vật lịch sử, truyền thuyết dân gian, con vật yêu thích trong truyện cổ tích, ngụ ngôn, cũng như những hình ảnh được coi là biểu tượng văn hóa, là sản vật đặc trưng của địa phương.
Điển hình, đội thi thôn Văn Miếu đem đến hội thi chú Chim bồ câu trắng với ước muốn hòa hình cho nhân loại qua mô hình đèn lồng Chim hòa bình, biểu tượng cho sự yên vui và hạnh phúc. Màu trắng của bồ câu tượng trưng cho sự thuần khiết và thanh cao.
Hay như đèn hình voi con của đội thi thôn Phụ Khang. Trong truyền thuyết đầu tiên của người Việt có nhắc đến "Voi chín ngà" - một trong số những đồ sính lễ mà Vua Hùng bắt buộc Sơn Tinh, Thủy Tinh mang đến khi cầu hôn Mị Nương. Voi còn được các triều đại phong kiến Việt Nam sử dụng vào trong quân sự và dân sự. Voi còn trở thành người bạn thân thiết, biểu tượng của sự giàu sang sung túc, là sức mạnh, cát tường và thông minh.
Đội thi thôn Phụ Khang chọn mô hình con voi để cầu chúc cho nhân dân thôn Phụ Khang và xã Đường Lâm một năm sức khỏe, may mắn.
Trong khi đó, mô hình đèn lồng cá chép của đội thi thôn Đoài Giáp mang ý nghĩa văn hóa Á Đông với sự tích cá chép hóa rồng. Tục ngữ nói "Mồng Bảy cá đi ăn thề. Mồng Tám cá về vượt thác Vũ Môn" cá chép hóa rồng được coi là biểu trưng cho sự nỗ lực, may mắn, về đích, thành công, hy vọng. Cá chép trong văn hóa Việt còn có ý nghĩa quan trọng khác, nó còn là vật cưỡi của Ông Táo khi chầu trời; là vật phóng sinh vào lễ hội rằm theo quan niệm của đạo Phật; là câu chuyện cá chép chơi trăng, đi vào trong những chiếc bánh Trung thu đêm Rằm tháng Tám.
Đội thi thôn Hà Tân mang đến hội thi đèn lồng hình gà trống với ý nghĩa may mắn và cát tường.
Đường Lâm có gà Mía - là giống gà có gốc tích gắn liền với tập quán văn hóa địa phương tại làng cổ Đường Lâm. Người phương Đông quan niệm, con gà là biểu tượng cho phẩm chất, khí tiết của người quân tử. Gà trống được cho là đại diện cho Ngũ đức của người quân tử, gồm: Đầu có mào như đội mũ, thân có màu lông đẹp như quần áo là Văn; Chân cứng, cựa nhọn làm vũ khí, là Võ; Khi thấy đối thủ xông vào mạnh mẽ chiến đấu, là Dũng; Thấy thức ăn là ngay lập tức gọi đồng loại, là Nhân; Đúng giờ, đúng canh cất tiếng gáy đánh thức vạn vật, là Tín. Hình ảnh gà trống mang ý nghĩa vô cùng may mắn, cầu mong những điều tốt đẹp nhất...
Đội thi thôn Cam Thịnh mang đến hội thi đèn lồng hình trâu vàng, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu là một mục đồng ngồi thổi sáo. Con trâu đi vào văn hóa Việt, trở thành hình ảnh quen thuộc, biểu trưng cho sự chăm chỉ, hiền lành, khỏe mạnh, chất phác; là nét văn hóa đồng quê bình dị, mộc mạc. Con trâu vốn gắn liền với tuổi thơ của trẻ em tại nông thôn qua hình ảnh của những chú bé mục đồng chăn trâu, cưỡi trên lưng trâu thả diều...
Ông Nguyễn Tấn Phát, đại diện đội thi thôn Mông Phụ cho biết, đội mang đến hội thi đèn hình tượng con trâu được làm bằng khung thép và vỏ nhựa. Thân trâu cách điệu mang hình dáng ngôi nhà với ý nghĩa "con trâu là đầu cơ nghiệp". Đặc biệt, đầu trâu còn cử động được. Đây cũng là đèn lồng duy nhất của hội thi có sự kết hợp giữa yếu tố thủ công với kỹ thuật.
"Sự hân hoan chào đón của nhân dân khi các đội rước đèn đến hội thi chính là "phần thưởng", là niềm vui hạnh phúc của các đội", ông Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.
Năm 2024 là năm Giáp Thìn với biểu tượng của con rồng, một trong 12 con giáp. Hình tượng con rồng có ý nghĩa biểu trưng cho sức mạnh, quyền uy, phú quý và thịnh vượng, là linh vật được đội thôn Đông Sàng làm thành đèn lồng mang tới hội thi...
Ngoài ra, tại chương trình “Trung thu làng cổ" Đường Lâm còn có những tiết mục văn nghệ đặc sắc của các thanh, thiếu nhi trên địa bàn xã; những màn múa lân sư rồng sôi động hấp dẫn của đội Lân sư rồng thôn Đông Sàng.
Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo nhấn mạnh: Các nội dung, hoạt động tại chương trình “Trung thu làng cổ" còn có ý nghĩa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục những nét đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc ở vùng quê xứ Đoài, đồng thời tạo không gian văn hóa, điểm đến du lịch cho làng cổ Đường Lâm, nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Đây là năm đầu tiên xã tổ chức, thông qua chương trình, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; mang đến cho các em ngày tết Trung thu thực sự ý nghĩa và tràn đầy niềm vui.
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao giải Đặc biệt cho Đội thôn Cam Thịnh với mô hình đèn lồng hình con trâu có chú Cuội ngồi trên lưng thổi sáo. Đội thôn Đông Sàng đạt giải Nhất với mô hình con rồng; hai đội thôn Hưng Thịnh và Cam Lâm đạt giải Nhì; các đội Phụ Khang, Văn Miếu, Đoài Giáp, Hà Tân, Mông Phụ đạt giải Ba. Ban tổ chức cũng trao giải phụ Thân thiện môi trường cho các đội thôn Phụ Khang, Đoài Giáp, Hà Tân.
Một số hình ảnh tại đêm hội: