Sách

Bản hùng ca “Đất Việt trời Nam liệt truyện”

Vân Lam 31/08/2024 - 08:31

Nhà văn Trần Bảo Định được độc giả nhớ đến với tên thân thuộc là “Ông già Nam Bộ nhiều chuyện”.

Mới đây, nhà văn lại tiếp tục khơi lại mạch lịch sử dân gian vùng đất Nam Bộ ở nhiều thời kỳ khác nhau qua tuyển tập “Đất Việt trời Nam liệt truyện” vừa được xuất bản. Đây là bản anh hùng ca đầy tự hào, chất chứa tinh thần yêu nước mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.

img_20240830_153333.jpg
Tuyển tập “Đất Việt trời Nam liệt truyện”. Ảnh: NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh

Mở đầu tuyển tập, nhà văn Trần Bảo Định nêu cao tinh thần tự cường, khẳng định nền độc lập của nước Việt, của dân Việt với “Đất nước” vừa như đề từ vừa như sự dẫn nhập: “Đất nước tôi, ba lần Tuyên ngôn Độc lập/ Mấy ngàn năm, tranh đấu với thời gian/ Máu anh hùng tô non sông cẩm tú/ Mồ hôi dân kết đọng ngọn lúa vàng”.

Những câu chuyện “từ thuở mang gươm đi mở cõi” của “Đất Việt trời Nam liệt truyện” xuyên suốt theo dòng chảy lịch sử, đó là khi các chúa Nguyễn vào Nam khai mở xứ Đàng Trong, khi Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp và đến đầu thế kỷ XX với cuộc chiến đấu của nhân dân Nam Bộ trong nỗ lực chung cùng giải phóng đất nước.

“Đất Việt trời Nam liệt truyện” gồm ba tập: Thượng (246 trang), Trung (280 trang) và Hạ (324 trang) với các truyện ngắn dân gian phản ánh một cách bao quát và sâu sắc những biến động thời đại, khơi sáng vẻ đẹp tâm hồn và khí phách của nhân dân Nam Bộ hơn 300 năm mở mang bờ cõi, bảo vệ và phát triển quê hương.

Quyển Thượng phản ánh giai đoạn lịch sử Đàng Trong và Nam Kỳ với công cuộc mở mang bờ cõi về phương Nam với những anh hùng đại diện cho ý chí và khí phách của người bình dân như Đỗ Thanh Nhơn, Lê Xuân Giác, Lê Văn Duyệt, Mai Tự Thừa... Dường như “Đất Việt trời Nam liệt truyện” được kết dệt bằng những sợi chỉ xuyên suốt lịch sử đan cài trong đó những sợi chỉ phong tục tập quán, sinh hoạt nghệ thuật, đạo đức luân lý, nhận thức tư tưởng.

Quyển Trung phản ánh thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta. Tác giả tập trung thể hiện ý chí kiên gan bất khuất của nhân dân Nam Kỳ cùng với nhân dân cả nước đứng lên chống giặc ngoại xâm với hàng loạt hình tượng anh hùng bình dân lấy thân đền nợ nước như hai mươi dũng sĩ đất Gò Công, nghĩa sĩ Sáu Chóp Chài...

Đối tượng của cái nhìn nghệ thuật ở tập này dịch chuyển từ các nhân vật anh hùng được sử sách lưu danh như Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, Phan Văn Đạt, Nguyễn Trung Trực... đến các nhân vật anh hùng vô danh. Điều này thể hiện toàn bộ chủ đích nghệ thuật của Trần Bảo Định, cho thấy tư tưởng: Nhân dân anh hùng!

Quyển Hạ phản ánh bước tiến mới của nhân dân Nam Kỳ trên tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc với những khuynh hướng khác nhau trong bối cảnh thời đại nhiều biến động trong nước cũng như trên thế giới. Bên cạnh đấu tranh yêu nước là phát triển nội lực kinh tế và đời sống xã hội của nhân dân.

20240823_171321.jpg
Ảnh: NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh

Đặc biệt, trong tuyển tập “Đất Việt trời Nam liệt truyện”, hình tượng nhân vật nữ chiếm vị trí đáng kể với công nữ Ngọc Vạn, công nữ Ngọc Khoa, hai bà vợ của Phan Thanh Giản, mẹ và vợ của Nguyễn Đình Chiểu, mẹ của Đỗ Trình Thoại, mẹ của Trần Xuân Hòa, cô Sáu Sanh, cô Hai Rái... Tất cả đều làm nổi bật vai trò và tôn vinh người phụ nữ Nam Bộ nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung trong công cuộc mở mang bờ cõi và đấu tranh bảo vệ đất nước.

Tuyển tập “Đất Việt trời Nam liệt truyện” mang đến cho độc giả hiểu biết thêm về tiếng nói hào sảng, tính cách phóng khoáng và phẩm chất nhân nghĩa thủy chung của người bình dân châu thổ Cửu Long. Tuyển tập vừa là bản trường ca anh hùng, vừa là khúc dân ca thấm đượm hương vị nắng gió chan hòa của đất đai xứ sở Nam Bộ xưa nay.

Tuyển tập “Đất Việt trời Nam liệt truyện” do Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.