Nỗ lực “làm mới” nghệ thuật truyền thống Đưa các giá trị xưa cũ hòa vào dòng chảy đương đại
“Làm mới” nghệ thuật biểu diễn truyền thống không phải là một ý tưởng mới, mà luôn xuất hiện trong tâm tưởng nhà quản lý, các nhà nghiên cứu và những người yêu nghệ thuật truyền thống.
Trong dòng chảy hội nhập văn hóa ngày càng sâu rộng, ý tưởng “làm mới” nghệ thuật biểu diễn truyền thống thôi thúc các nghệ sĩ sáng tạo tìm kiếm một ngôn ngữ, hình thức biểu đạt mới phù hợp với thị hiếu và mong muốn của khán giả, từ đó giúp các môn nghệ thuật này dễ dàng đến với công chúng một cách rộng rãi.
Tìm lại ánh hào quang
Trước thực trạng các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống ngày càng thiếu vắng khán giả, nhiều cá nhân, tổ chức đã có những thử nghiệm nhằm bóc tách những lớp vỏ cũ kỹ của nghệ thuật truyền thống, “làm mới” diện mạo của nó bằng những yếu tố phá cách như kết hợp với rap, piano, vinahouse, EDM... để tiếp cận gần hơn với khán giả đương đại.
Nhắc đến nghệ thuật tuồng, ai cũng nhớ nó từng có một thời hoàng kim, đó là những năm đầu xóa bỏ bao cấp, Nhà hát Tuồng ngày nào cũng sáng đèn. Lịch diễn kín mít, đi đến đâu nghệ sĩ cũng được người dân cổ vũ rất nồng nhiệt. Khán giả nô nức tới xem, ngồi chật kín không gian biểu diễn. Còn bây giờ, khán giả yêu thích tuồng chỉ còn ít ỏi, sau một thời gian “nguội lạnh”, không nhiều người còn nhớ và hiểu được nội dung những tích tuồng, lối diễn xuất đặc trưng hay nghệ thuật kẻ mặt nạ tuồng...
Là người “ngoại đạo” nhưng càng tìm hiểu sâu thì Nguyễn Quốc Hoàng Anh, người sáng lập nhóm Lên Ngàn, càng cảm thấy choáng ngợp trước sự giản dị nhưng ẩn chứa vẻ đẹp đa sắc màu của nghệ thuật truyền thống. Và, anh đã quyết định làm sống lại vẻ đẹp mê đắm đó trong không gian mới của ngày hôm nay. Đánh dấu bước đường “làm mới” nghệ thuật truyền thống bằng Dự án “Âm - Thanh Sắc - Màu”, ở đó Hoàng Anh kết hợp chất liệu âm nhạc cổ điển, jazz, hip hop, nhạc thể nghiệm với tiếng trống đế, trống cơm, “sample” tiếng của nhân vật hề chèo trong vở chèo “Xúy Vân giả dại”...
Tiếp đó là dự án phát triển nền tảng sân khấu biểu diễn từ nghệ thuật tuồng mang tên “Cõi thinh không” (2020); kết hợp âm nhạc dân gian và âm nhạc thể nghiệm trong “Thanh cảnh” (2023) hay gợi nhớ ký ức mang tính sử thi bi hùng qua dự án mang tên “Vọng âm” (2023)...
Với Hoàng Anh, nói tới dấu ấn sáng tạo đậm nét nhất thì phải kể đến dự án "Sơn Hậu - Beyond the Mountain" được lấy cảm hứng từ vở tuồng cổ nổi tiếng cùng tên, trình diễn lần đầu tại sân chơi khu tập thể B1 Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội) do Hoàng Anh và Hà Nguyên Long thực hiện. Trong vở diễn này, tính hình tượng của nghệ thuật tuồng cũng như lối diễn xướng đã tồn tại trăm năm vẫn được giữ nguyên, Hoàng Anh chỉ thay đổi không gian và âm nhạc với sự xuất hiện của nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm. Tác phẩm thể hiện mong muốn lớn nhất của Hoàng Anh, đó là “phát triển văn hóa bền vững gắn liền với lợi ích cộng đồng”.
“Di sản và văn hóa bản địa có ý nghĩa nền tảng. Sự sáng tạo mới kết hợp với các giá trị trong quá khứ và công chúng cũng có thể cùng tạo ra các giá trị mới, chia sẻ và tương tác" - Hoàng Anh chia sẻ.
Mới đây, nhằm đưa công chúng tiếp cận với sân khấu truyền thống theo cách thức sáng tạo, vở diễn “Đối diện với vô cùng” - dự án hợp tác của Nhà hát Tuồng Việt Nam với nhóm Lên Ngàn của Hoàng Anh - được thực hiện với sự pha trộn hài hòa giữa vũ đạo, âm nhạc đương đại với chất liệu nghệ thuật tuồng. Dưới góc nhìn của Nguyễn Quốc Hoàng Anh, khi người nghệ sĩ vào vai trong vở tuồng, họ như bước vào hành trình tìm về thân phận con người thông qua vai diễn. Còn khi nhảy múa trong điệu nhạc của vinahouse, người ta sẽ xóa nhòa khoảng cách và nhập hồn vào điệu nhạc.
Được biết, trong thời gian qua, Hoàng Anh không phải là người trẻ duy nhất đang lội ngược dòng trở về với truyền thống trong sự kết nối đương đại bằng những dự án, những tác phẩm tạo dấu ấn. Năm 2022, ca sĩ Hà Myo và nhà sản xuất Tuấn Phương VBK cũng ra mắt MV "Xẩm Hà Nội" với sự kết hợp hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Có lẽ, đó là lần đầu tiên khán giả chứng kiến một tác phẩm âm nhạc có sự kết hợp giữa xẩm với rap và nhạc EDM. Sự kết hợp này tạo nên một bản nhạc hết sức độc đáo, dí dỏm, hóm hỉnh đậm chất xẩm dân gian pha trộn với sự rộn ràng của rap đường phố và nền nhạc EDM đầy chất lửa cuồng nhiệt.
Đồng hành trên con đường “làm mới” nghệ thuật biểu diễn truyền thống, năm 2011, nghệ sĩ piano Phó An My đã thực hiện kế hoạch ấp ủ gần 10 năm của mình khi đưa piano kết hợp với hầu đồng. Chương trình “Đối thoại hầu văn” với phần nhạc của Đặng Tuệ Nguyên đã được Phó An My trình diễn và đạt được thành công ngoài dự tính. Nối tiếp thành công, năm 2014, tiếng đàn piano của nghệ sĩ Phó An My lại vang lên, diễn tả tích "Ngọn lửa Hồng Sơn" trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm 2016, Phó An My lại tiếp tục có buổi đối thoại giữa piano và chèo mang tên “Gió”, cũng được tổ chức tại Hà Nội...
Khán giả chính là thước đo công tâm nhất
Trong dòng cảm xúc chung của những người có mặt tại buổi trình diễn vở tuồng “Sơn Hậu - Beyond the Mountain” tại khu tập thể B1 Văn Chương, có người hồi tưởng lại ký ức về những đêm diễn tuồng mà họ từng xem trước đây, có người lạ lẫm với nội dung của vở tuồng đang được trình diễn theo một cách mới... Nhưng, hầu như tất cả những cư dân đã đến theo dõi đều ngồi lại tới cuối cùng. Cái giữ họ ở lại là sự sống động của vở diễn gợi nhớ hào quang một thời, là cảm nhận mới mẻ về phần trình diễn hip hop lạ mắt trên nền âm thanh điện tử... Những gì tưởng chừng nhàm chán, xa vời, cũ kỹ nay xuất hiện đầy ấn tượng ngay tại sân nhà nơi họ sinh sống.
Tiếp nối những thành công trong hành trình tạo nên những giá trị mới cho nghệ thuật biểu diễn truyền thống, gần đây, Nguyễn Quốc Hoàng Anh hồ hởi “khoe”, mặc dù giá vé của 3 đêm diễn "Đối diện với thinh không" không hề rẻ, từ gần 500 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng nhưng toàn bộ số vé phát hành đã được bán hết từ khá sớm. Trong số hơn 1.100 vé được bán ra, có khoảng 25% được mua bởi khách nước ngoài. Và, điều khiến ê kíp bất ngờ hơn cả là số người mua vé ở độ tuổi từ 22 - 35 chiếm khoảng 75%. 2/3 khán phòng Nhà hát tuồng trong 3 đêm diễn “Đối diện với vô cùng” là những khán giả trẻ, đêm diễn kết thúc mà khán giả vẫn không chịu ra về, những tràng pháo tay không ngớt... Tất cả những điều đó cho thấy, bước đầu, vở diễn đã chạm đến cảm xúc của người xem.
Với Hà Myo (Ngọc Hà), sau bốn MV "Xẩm Hà Nội", "Xẩm Xuân xanh", "Xẩm Xuân chúc phúc", "Xẩm Bốn mùa hoa Hà Nội", Ngọc Hà đã nhận được khá nhiều lời mời hát xẩm theo phong cách mới trên các sân khấu lớn. Sự thành công hôm nay chính là nhờ tư duy dám làm, dám thử nghiệm, là quan điểm “giữ được hồn cốt văn hóa mà vẫn mang tinh thần thời đại thì khán giả cũng sẽ mở lòng” của Hà Myo. Còn Phó An My, từ thành công ngoài mong đợi khi lần đầu tiên kết hợp piano với hầu đồng, cứ 2 năm 1 lần cô lại có một buổi trình diễn hoành tráng, khán giả đến xem khá đông, tạo động lực cho những buổi kết hợp piano với nghệ thuật truyền thống tiếp theo.
Có thể thấy, sự sáng tạo trên cơ sở giữ lại những gì là nguyên bản, cốt lõi đã tạo ra nét mới mẻ, hấp dẫn cho văn hóa truyền thống. Đó chính là hướng đi đúng của những người làm quản lý, nghệ sĩ nhằm góp phần giúp cho nghệ thuật biểu diễn truyền thống hòa chung vào dòng chảy đương đại. Khán giả chính là thước đo công tâm nhất, sự ghi nhận của họ cho thấy sự sáng tạo và cách làm mới đã từng bước rút ngắn khoảng cách giữa công chúng với nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, việc các sân khấu truyền thống linh hoạt tìm ra cho mình hướng đi mới, không thụ động ngồi chờ cơ chế, chính sách... cho thấy nghệ thuật truyền thống có thể hướng đến mục tiêu xa hơn, lớn hơn chứ không chỉ nhằm mục đích "tồn tại". Đó là tạo hấp lực cho nghệ thuật biểu diễn truyền thống, định vị thương hiệu quốc gia, góp phần hiện thực hóa chủ trương phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa Việt Nam.