Xã hội

Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” Xếp bút nghiên để cầm súng

Trần Việt Hà 31/08/2024 - 06:59

Khi đang miệt mài trên giảng đường đại học với biết bao hoài bão và ước mơ được cống hiến cho công cuộc kiến thiết đất nước, thì một lần nữa tiếng "bom gào, đạn réo" lại rền vang trên bầu trời Hà Nội, buộc tôi và các nam sinh viên Thủ đô ngày ấy phải xếp bút nghiên cầm súng ra trận.

hn.jpg
Sinh viên Hà Nội xếp bút nghiên lên đường vào miền Nam chiến đấu. Ảnh tư liệu

Tôi còn nhớ, hôm đó là ngày 16-4-1972, vào khoảng hơn 2h sáng, khi người dân Hà Nội đang chìm trong giấc ngủ thì bị dựng dậy bởi tiếng còi báo động, cùng với đó là tiếng loa phóng thanh thông báo về hoạt động của máy bay địch. Vài giờ sau, bản tin sáng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã đưa tin về cuộc tập kích của không quân và hải quân Mỹ xuống thành phố cảng Hải Phòng.

Vẫn như mọi ngày, sáng sớm tôi ra bến Cửa Nam lên tàu điện vào trường. Gần cuối giờ học buổi sáng, khi chúng tôi đang ngồi trên giảng đường, lại nghe tiếng còi báo động phòng không vang lên. Chưa hết ngỡ ngàng thì đã nghe tiếng đạn pháo, súng máy nổ ầm ầm, tiếng động cơ máy bay gầm rú, rồi tiếng bom đạn rền vang một góc trời. Trên bầu trời phía huyện Gia Lâm, một cột khói đen khổng lồ bốc lên cao xen lẫn ánh lửa đỏ rực. Kho xăng dầu Đức Giang đã bị máy bay Mỹ đánh trúng... Trong thời gian này, cuộc chiến đấu của quân dân ta trên chiến trường Quảng Trị đang vào hồi quyết liệt hơn bao giờ hết. Chúng tôi hiểu rằng vậy là giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ đã bắt đầu.

Một tuần sau, trường đại học của chúng tôi và các trường đại học, trung học chuyên nghiệp khác ở Thủ đô lại một lần nữa sơ tán về các vùng nông thôn xa Hà Nội. Tôi thêm một lần nữa phải tạm xa mái nhà thân yêu nơi phố cổ, không còn được đi trên những chuyến tàu điện "leng keng" đầu phố mỗi ngày để đến trường. Sau hơn nửa tháng ở nơi sơ tán, theo lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước, các nam sinh viên chúng tôi đi khám sức khoẻ tuyển quân. Sau đó mười ngày, giấy gọi nhập ngũ đã được chuyển đến.

Sau khi nhận được lệnh nhập ngũ, chúng tôi được nhà trường cho phép về thăm gia đình ít ngày. Ngày đầu tiên, tôi không về nhà ngay mà đạp xe vượt ba chục cây số về khu sơ tán của khoa Toán - Đại học Sư phạm Hà Nội để thăm và chào cậu ruột. Cậu là người thay ba mẹ nuôi dạy tôi từ khi tôi học vỡ lòng cho tới khi hết cấp hai. Cậu thương tôi như con ruột, vì mẹ tôi ngày đó một nách ba con, còn ba tôi thì đóng quân xa.

Ba tôi đi bộ đội từ thời chống Pháp. Trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, thời gian ông sống bên vợ con nếu tính gộp, có lẽ chưa đầy một năm. Những năm miền Bắc hòa bình ông cũng không được ở gần vợ con mà mỗi năm chỉ được một kỳ nghỉ phép mươi ngày về thăm gia đình. Ông công tác trong một đơn vị quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ Giới tuyến quân sự tạm thời bên bờ Bắc cầu Hiền Lương ngay sau khi Hiệp định Genève có hiệu lực. Do phải xa ba từ khi còn ẵm ngửa nên ý niệm về ba của tôi khá mơ hồ, mặc dù mẹ tôi luôn nhắc và kể về ba cho tôi nghe. Vì thế, mỗi khi về phép ba tôi phải dành khá nhiều thời gian để làm quen với tôi, đứa con trai cả của ông. Tôi còn nhớ khi tôi bốn, năm tuổi, nghĩ ông là người xa lạ, nên mỗi khi được ông ôm vào lòng âu yếm, tôi lại giãy ra bằng được và bỏ đi chơi đâu đó cho đến giờ ăn cơm hay giờ đi ngủ mới về. Lớn lên một chút, ở độ tuổi lớp hai, lớp ba, tôi bắt đầu thấy nhớ ông, như mọi đứa con nhớ cha của mình, thì ông đã vào chiến trường miền Nam. Ba tôi là một trong những người lính của những đơn vị đầu tiên được bí mật điều vào Nam chiến đấu. Phải đến mười năm sau, vào một tối đầu mùa hè, khi tôi đang ở trong khu nội trú của trường đại học, thì bất ngờ ông đi xe Com-măng-ca còn bám đầy bụi đỏ chiến trường vào thăm. Khi gặp lại cha mình sau nhiều năm ông vắng bóng, lòng tôi trào lên một cảm xúc khó tả. Mắt tôi nhoè đi và rồi những giọt nước mắt cứ lặng lẽ rơi. Tôi đã lén lau để giấu đi những giây phút cảm thấy lòng mình mềm yếu. Đó là lần đầu tiên ba tôi từ chiến trường miền Nam ra Hà Nội họp sau chiến dịch Đường 9-Nam Lào (1971).

Suốt nẻo đường đạp xe về nơi sơ tán của cậu ruột, trong tôi luôn hiện lên bóng dáng cậu. Cậu tôi sống độc thân. Ngày tôi còn nhỏ, được ở với cậu trong khu tập thể Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi giáp ranh hai xã Dịch Vọng và Mai Dịch của huyện Từ Liêm. Cậu chăm sóc tôi rất chu đáo. Bọn trẻ con ở khu tập thể cứ nghĩ tôi là con đẻ của ông và vì thế mỗi khi tôi nghịch ngợm đánh nhau, gây lộn... là chúng cứ réo tên tôi ghép với tên cậu tôi ra “chửi” thề cho hả giận. Tôi ở với cậu gần chục năm và coi ông như người cha của mình. Hằng tuần, vào chiều thứ bảy, ông thường đưa tôi về thăm mẹ trong phố cổ bằng xe đạp, rồi chủ nhật vào đón tôi trở lại. Sau hơn hai giờ đạp xe, tôi đã về đến nơi cậu ở. Khi thấy tôi, cậu mừng lắm, còn tôi thì sống mũi thấy cay cay. Bữa đó cậu đã nấu đãi tôi một bữa cơm rất ngon.

Ngày hôm sau, tôi mới đạp xe về nhà thăm mẹ. Mẹ tôi công tác ở một công ty dược phẩm thuộc Bộ Y tế chuyên cung cấp thuốc men và dụng cụ y tế cho chiến trường miền Nam, Campuchia và Lào. Do tình hình chiến trường đang hồi quyết liệt, việc cơ quan bận rộn, nên buổi trưa mẹ tôi mới tranh thủ về nhà. Bà mua hẳn một con gà và nấu các món ăn mà tôi thích. Bà không ăn miếng nào mà chỉ ngồi nhìn tôi và yên lặng, khẽ vuốt đầu tôi với lời chia tay nhỏ nhẹ “Mong con đi chân cứng đá mềm”, rồi mẹ đi làm. Chiều hôm đó, tôi lên Cổ Nhuế, để vài ngày sau có mặt tại ga Hàng Cỏ cùng hàng ngàn sinh viên hành quân xuôi phương Nam, sẵn sàng ra mặt trận.

Với tôi và các bạn sinh viên nhập ngũ vào “Mùa hè đỏ lửa” năm ấy, tuy có những tiếc nuối vì cuộc đời sinh viên dang dở, nhưng không hề "ủy mị", bởi "Lớp cha trước, lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành".