Gìn giữ nghề thêu cổ truyền ở Khoái Nội
Nằm ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội, huyện Thường Tín từ lâu đã gắn với danh xưng “đất trăm nghề”, gần như xã nào cũng có nghề truyền thống, làm ra những sản phẩm độc đáo, vừa có tính ứng dụng, vừa mang giá trị nghệ thuật cao.
Bên cạnh đào quất, cây cảnh xã Vân Tảo, đồ sừng xã Hoà Bình…, thì nghề thêu tay ở thôn Khoái Nội, xã Thắng Lợi là một trong những mạch nguồn tiếp nối những giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương.
Vươn ra biển lớn
Những ngày cuối tháng 8-2024, chúng tôi có mặt tại làng Khoái Nội, xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín) để gặp mặt Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Nguyên, Chủ tịch Hội Nghề thêu huyện Thường Tín. Dù trời bất chợt đổ những cơn mưa rả rích, nhưng ông Nguyên vẫn nhiệt tình đưa chúng tôi rong ruổi khắp làng để giới thiệu về nghề thêu cổ truyền với tuổi đời đã gần 600 năm. Không giấu được niềm tự hào về mảnh đất đã sinh ra những con người tài hoa, vang danh thiên hạ như danh nhân Nguyễn Trãi, ông Nguyên cho biết tổ nghề thêu tay thôn Khoái Nội là công thần Lê Công Hành (ông Hành tên khai sinh là Trần Quốc Khái, sinh năm 1606 tại làng Quất Động, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam, nay là xã Quất Động, huyện Thường Tín).
Còn theo thông tin ghi trong cuốn "Thường Tín đất danh hương" xuất bản năm 2004: "Công thần Lê Công Hành là người có công với đất nước, được triều đình Lê sơ ban thưởng Quốc tính (được mang họ nhà vua). Lê Công Hành từng đi sứ Trung Quốc 10 năm. Khi về ông mang nghề thêu tay và làm lọng dạy cho dân làng Quất Động và nhân dân quanh vùng, nhằm mở rộng, phát triển nghề thêu thành một nghề kiếm sống những khi nông nhàn". Để tưởng nhớ công ơn, người dân đã lập đền thờ ông là tổ nghề thêu tại Đền thờ Ngũ Xã.
Trong ký ức của những bậc cao niên thôn Khoái Nội, vào những năm nghề thêu phát triển hưng thịnh, sản phẩm làng nghề đã vang danh khắp cả nước. Trải qua bao thăng trầm, biến động của lịch sử, người dân nơi đây vẫn gắn bó với nghề thêu truyền thống. Lớp cha ông đi trước kiên trì, cặn kẽ truyền dạy từng “đường kim, mũi chỉ” cho thế hệ con cháu đi sau, cứ thế lưu giữ và phát triển nghề đến ngày nay. Trải qua năm tháng trui rèn, trình độ thêu của thợ làng nghề đã đạt đến độ tinh xảo và điêu luyện.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có nghề thêu truyền thống lâu đời, hình ảnh người mẹ ngày qua ngày cặm cụi bên giá thêu đã in sâu trong tâm thức của ông Nguyên. Thấy ông có đam mê, từ năm lên sáu, cha mẹ ông đã dốc lòng truyền dạy cho ông những bí quyết cơ bản về nghề thêu truyền thống. Qua nhiều lần học và thực hành, cậu bé Nguyên đã có những kỹ năng cơ bản của nghề. Đến khi trưởng thành, vì cuộc sống mưu sinh, nghệ nhân Lê Văn Nguyên phải làm nhiều công việc khác nhau. Nhưng cuối cùng, như một cái duyên, ông Nguyên đã trở lại với nghề truyền thống của gia đình.
Vào năm 1996, ông cùng vợ là bà Lê Thị Xuân từng bước gây dựng cơ sở sản xuất tại nhà, lấy tên là Tranh thêu Xuân Nguyên. Vì cả hai đều giỏi tay thêu nên sau một thời gian, đã tập trung được nhiều bà con trong làng, xóm đến làm việc cho mình. Không bằng lòng với kinh nghiệm vốn có, ông Nguyên tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, nâng cao kỹ năng thêu và chủ động sáng tạo, thiết kế ra những mẫu mã phù hợp với nhu cầu thị trường.
Với tinh thần học hỏi, ông Nguyên đã thực hiện được nhiều tác phẩm thêu chất lượng thẩm mỹ và có độ bền cao, không phai màu, thân thiện với môi trường. Đơn cử như những tác phẩm tranh thêu chân dung Bác Hồ, sen hay phong cảnh quê hương đất nước, thư pháp..., Ngoài ra là các sản phẩm phụ kiện thời trang như bờm kẹp tóc, dậy buộc tóc và vòng đeo cổ, áo, khăn, túi thêu... Nhiều sản phẩm không chỉ được thị trường trong nước, mà còn cả nước ngoài đón nhận, yêu thích, góp phần đưa sản phẩm làng nghề truyền thống vượt biên giới vươn tới những thị trường mới mẻ và đa dạng hơn.
Đau đáu tìm hướng đi mới
Gắn bó với nghề thêu truyền thống đã hơn 40 năm, Nghệ nhân Lê Văn Nguyên không chỉ tạo lập được cơ sở sản xuất, thương hiệu nghề thêu của gia đình, mà những sản phẩm từ cơ sở Xuân Nguyên còn hỗ trợ người dân địa phương phát triển ngành nghề truyền thống. Nhiều năm nay, ông Nguyên được tín nhiệm làm Chủ tịch Hội Nghề thêu tại địa phương.
Tỏ ra rất tâm đắc với một số bộ tranh “vẽ bằng chỉ”, ông Nguyên cho biết: Nghề thêu đòi hỏi người thợ có bàn tay khéo léo, đôi mắt tinh tường cộng với đức tính cẩn thận. Mỗi tác phẩm đều mang đậm hồn quê, khơi dậy ở người xem tình yêu với non sông đất nước.
Để đạt được tính chân, thiện, mỹ trong mỗi tác phẩm, nghệ nhân Lê Văn Nguyên còn bật mí nhiều bí quyết. Ví dụ như một bức tranh thêu đẹp phải bảo đảm các tiêu chí như: Đường chân kim không bị lộ, đường nét phải rõ ràng và đặc biệt màu sắc phải phối hợp hài hòa. Công phu nhất là thêu các đường lượn, đường viền, các khối hình thêu nổi gân lá, đài hoa, mặt phượng, mày ngài, vân mây... sao cho các đường chỉ đan vào nhau mịn màng, chân chỉ của từng chiếc lá, đài hoa luôn đều đặn. Đường chỉ càng mịn màng, chân chỉ càng ẩn bao nhiêu, sản phẩm càng có giá trị thẩm mỹ bấy nhiêu. Không hổ danh với câu thơ “Ngón tay khuê các ngọc vàng. Hóa văn biến tấu cung đàn quê hương”, những tác phẩm của nghệ nhân làng Khoái Nội vô cùng tinh xảo, đa dạng với nhiều thể loại khác nhau. Như tranh phong thủy có tùng cúc trúc mai, vinh quy báo tổ. Tranh về phong cảnh thiên nhiên, tranh tĩnh vật, tranh chân dung… Mỗi sản phẩm đều toát lên vẽ đẹp vốn có của tự nhiên, của nghệ thuật, đỉnh cao của “chân thiện mỹ”.
Được biết, xã Thắng Lợi có 11 thôn thì có đến 5 thôn được công nhận "Làng nghề thêu truyền thống". Theo những gia phả còn lưu lại, Khoái Nội chính là nơi sản sinh ra nhiều nghệ nhân thêu tay vào loại có tiếng. Tiêu biểu như Nghệ nhân nhân dân Đỗ Quốc Sử, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Xuân Đức, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đức Khoa, Nghệ nhân Hà Nội Vũ Văn Hái… Trong đó, vợ chồng ông Nguyên đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội.
Sau những chia sẻ hào hứng với niềm tự hào về nghề truyền thống của quê hương, ông Nguyên bỗng trầm ngâm nhìn xa xăm. Chủ tịch Hội Nghề thêu tâm sự, Hội có trên 100 thành viên, hoạt động nhiều năm nay. Tuy nhiên, đầu ra cho các sản phẩm thêu vẫn còn khó khăn. Nguyên nhân bởi nghề thêu của huyện chưa có cụm, điểm, dịch vụ công nghiệp, cửa hàng lớn để giới thiệu sản phẩm, đón tiếp khách tham quan du lịch, nhằm mục đích vừa bán hàng trực tiếp vừa quảng bá cũng như tìm đơn đặt hàng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm làm ra thường mất nhiều ngày công, giá trị thương mại cao nếu không tìm được khách hàng thì ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập, cuộc sống người lao động.
Chủ tịch Hội mong rằng, tới đây, thành phố, UBND huyện Thường Tín cũng như các cấp, ngành có sự quan tâm, tạo điều kiện thích đáng để địa phương mở các điểm dịch vụ đón du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó, cũng cần vinh danh các nghệ nhân và quan tâm, giúp đỡ những thợ giỏi để họ ngày càng tâm huyết, có trách nhiệm truyền nghề truyền thống cho thế hệ trẻ, nhằm giữ gìn làng nghề không bị mai một, mất dần theo thời gian.