Tài chính

Rủi ro khi mua vàng SJC trên thị trường tự do

Hương Thủy 31/08/2024 - 06:33

Mua vàng từ doanh nghiệp, ngân hàng khó khăn nên nhiều người đã tìm đến thị trường tự do, khiến thị trường vàng xuất hiện tình trạng “hai giá”.

Chuyên gia cho rằng, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến việc quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, gây xáo trộn thị trường. Đặc biệt, người dân mua vàng sẽ gặp nhiều rủi ro.

ngan-hang.jpg
Người dân mua vàng tại phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (quận Ba Đình). Ảnh: Thành Đạt

Thị trường vàng “hai giá”

Trong bối cảnh giá vàng trong nước chênh lệch lớn với giá vàng thế giới, từ tháng 6-2024, Ngân hàng Nhà nước đã bán vàng miếng SJC cho Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và 4 ngân hàng thương mại quốc doanh để các đơn vị này bán vàng trực tiếp cho người dân. Biện pháp này bước đầu đã mang lại hiệu quả. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế được thu hẹp, hiện chỉ còn khoảng 5 triệu đồng/ lượng, thay vì có thời điểm đến gần 20 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, cũng từ tháng 6 đến nay, thị trường vàng xuất hiện tình trạng “hai giá”. Nhiều người có nhu cầu nhưng không thể mua được vàng ở thị trường chính thức nên phải tìm đến thị trường tự do hoặc mua lại của những người đã mua từ ngân hàng. Giá giao dịch tại thị trường tự do luôn cao hơn giá bán niêm yết tại Công ty SJC, 4 ngân hàng thương mại quốc doanh và những doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng SJC.

Anh Nguyễn Văn Cường (quận Cầu Giấy) cho biết, vào đầu tháng 7, do cần 3 lượng vàng miếng để trả nợ nhưng không mua được ở ngân hàng nên anh phải ra thị trường tự do mua với giá cao hơn 3 triệu đồng/lượng.

Khảo sát trong thời gian gần đây tại phố Hà Trung (quận Hoàn Kiếm), con phố nổi tiếng với hoạt động mua bán vàng bạc và thu đổi ngoại tệ cho thấy, vào thời điểm giá bán vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước công bố 80 triệu đồng/lượng, giá bán tại Công ty SJC và 4 ngân hàng thương mại nhà nước là 81 triệu đồng/lượng thì giá bán tại đây là 81,6-82 triệu đồng/lượng.

Trên kênh online, mạng xã hội Facebook, Zalo, mua bán vàng trao tay cũng khá nhộn nhịp. Nhiều hội, nhóm giao dịch vàng được lập, như “giao lưu vàng miếng SJC, PNJ, Doji không qua trung gian”, “mua bán giao lưu vàng miếng SJC”… Khách có nhu cầu mua bao nhiêu gần như đều được đáp ứng. Song có điểm chung là giá cao hơn giá niêm yết của doanh nghiệp và ngân hàng, phổ biến ở mức từ 500.000-1.000.000 đồng/lượng. Mức chênh lệch này đã giảm mạnh so 3-4 triệu đồng/lượng hồi tháng 6-2024, bởi thời điểm đó nhiều người có nhu cầu mua vàng lớn, nôn nóng, sợ vàng sẽ lên giá nên mua bằng mọi cách.

Cảnh báo rủi ro

Theo chuyên gia vàng Trần Duy Phương, tình trạng thị trường vàng “hai giá” xuất phát từ nguyên do người dân có nhu cầu lớn trong khi lượng vàng được bán ra có giới hạn, không phải người mua nào cũng có thể tiếp cận được vàng ngân hàng và Công ty SJC bán ra với giá niêm yết. Chưa kể, những doanh nghiệp khác được phép kinh doanh vàng miếng SJC luôn trong tình trạng không có hàng.

Vị chuyên gia này cho rằng, việc cá nhân tự thỏa thuận giá mua bán các loại vàng miếng có thể dẫn đến nhiều rủi ro, như việc không có hóa đơn chứng từ có thể bị cơ quan chức năng xác định là hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, thị trường vàng “hai giá” còn ảnh hưởng đến việc quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng, gây xáo trộn thị trường.

"Mua vàng trên thị trường tự do, đặc biệt là mua qua các trang mạng xã hội, ngoài rủi ro về giá, người mua còn có nguy cơ bị lừa đảo. Các hình thức phổ biến là đối tượng đăng trên hội, nhóm có nguồn vàng SJC bằng với giá niêm yết nhưng khi giao dịch lại là vàng nhái, vàng giả hoặc yêu cầu người mua chuyển tiền trước nhưng không giao vàng. Thậm chí đã từng xảy ra trường hợp kẻ xấu hẹn giao dịch, sau đó "đánh" thuốc mê, cướp tiền, vàng.

Do đó, người dân cần tỉnh táo, tránh giao dịch với cá nhân, tổ chức không có chức năng kinh doanh vàng theo quy định, chỉ nên giao dịch tại những doanh nghiệp có giấy phép mua bán hợp pháp”, chuyên gia Trần Duy Phương khuyến nghị.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhấn mạnh, kinh doanh vàng miếng SJC phải có giấy phép của cơ quan chức năng. Vì vậy, khi giao dịch vàng miếng, người dân cần thận trọng nhằm tránh vi phạm pháp luật.

Theo ông Trần Duy Phương, lượng vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước tung ra thị trường trong 5 tháng qua có thể lên khoảng 200.000 lượng, giúp thị trường giải tỏa cơn “khát” vàng miếng. Những người có nhu cầu mua vàng với số lượng lớn cũng đã sở hữu đủ. Điều đó được thể hiện qua việc chênh lệch giá vàng trên thị trường tự do với giá vàng do Công ty SJC và 4 ngân hàng thương mại quốc doanh niêm yết giảm từ 3 - 4 triệu đồng/lượng xuống 500.000-1.000.000 đồng/lượng. Điều đó cũng cho thấy nhu cầu về vàng miếng sắp đến mức bão hòa, vì vậy, tình trạng “hai giá” trên thị trường có thể sẽ bị triệt tiêu trong thời gian tới.

Trong khi đó, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đưa quan điểm, khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chưa được sửa đổi, cùng với kiểm soát chặt chẽ việc mua bán vàng, Ngân hàng Nhà nước cần nắm bắt cụ thể nhu cầu trên thị trường, từ đó đưa giải pháp đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.