Nghị định thư mới về xuất khẩu một số mặt hàng nông sản: Rộng cửa cho trái cây Việt
Trong chuyến thăm, làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Trung Quốc, nhiều nghị định thư đã được ký kết giữa hai quốc gia. Trong đó có Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, cá sấu của Việt Nam sang Trung Quốc.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, cánh cửa xuất khẩu trái cây Việt Nam đang mở rộng, nhiều mặt hàng kỳ vọng sẽ đạt tỷ USD trong những năm tới...
Cơ hội mới cho sầu riêng và dừa
Theo Bộ NN&PTNT, tháng 8-2024, xuất khẩu rau, quả đạt hơn 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là một trong những tháng ngành hàng rau quả có giá trị xuất khẩu cao nhất năm. Lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau, quả đạt 4,58 tỷ USD.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, 7 tháng năm 2024, xuất khẩu sầu riêng các loại đạt 476,13 nghìn tấn, trị giá 1,6 tỷ USD, tăng 50,5% về lượng và tăng 49,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. “Ngày 19-8, Việt Nam đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, mở rộng cánh cửa cho sầu riêng nói riêng và ngành hàng rau, quả xuất khẩu nói chung. Các sản phẩm mới như sầu riêng xay nhuyễn, cơm sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sẽ tạo ra giá trị gia tăng cao hơn so với sầu riêng tươi. Với Nghị định thư mới này, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay đạt từ 3 đến 3,5 tỷ USD, với sầu riêng đông lạnh khoảng 400-500 triệu USD”, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết thêm.
Cũng như sầu riêng, dừa tươi là mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội bứt phá trong năm nay và những năm tới. Thời điểm hiện tại, Việt Nam đứng thứ bảy về sản xuất dừa trên toàn thế giới. Diện tích trồng dừa vào khoảng 188.000ha, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì thế, khi Trung Quốc mở cửa cho trái dừa Việt Nam, thì đây là cơ hội cho các địa phương, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long. Dự kiến, trong năm nay, xuất khẩu dừa tươi đạt hơn 1 tỷ USD.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, các nghị định thư mới giữa Việt Nam và Trung Quốc đang mở rộng cánh cửa cho xuất khẩu trái cây Việt Nam. Dự kiến, xuất khẩu rau, quả trong năm 2024 sẽ chạm mốc 7 tỷ USD (riêng trái cây chiếm tới gần 90% giá trị). Nếu mọi sự như kỳ vọng, đây sẽ là một dấu ấn của ngành hàng này trong nhiều năm trở lại đây.
Thách thức vẫn đang ở phía trước
Rau, quả là ngành hàng có giá trị xuất khẩu tăng mạnh trong những năm gần đây. Tuy nhiên thực tế cho thấy, cơ hội lớn đang mở ra nhưng thách thức vẫn ở phía trước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính của rau, quả Việt Nam. Tính riêng 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau, quả sang thị trường này đã đạt trên 2,5 tỷ USD, chiếm tới 64% thị phần. Tiếp đến là Hoa Kỳ, Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu lần lượt đạt 189 và 188 triệu USD, tăng 31% và 51%, chiếm 4,88% và 4,87% về thị phần.
Để duy trì tăng trưởng, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành hàng rau, quả cần chủ động vùng sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu từ phía thị trường nhập khẩu.
Liên quan đến thị trường Trung Quốc, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Tấn Đạt cho rằng, nghị định thư mở ra cơ hội lớn cho trái cây Việt Nam, tuy nhiên thị trường này yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng với nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn mới. Do vậy, chất lượng sản phẩm vẫn là yếu tố quyết định tăng trưởng xuất khẩu.
Về những thách thức hiện tại đối với một số mặt hàng nông sản hiện nay, trong đó có rau, quả, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn nhận định, quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp đang là vướng mắc chính. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chưa tuân thủ nghiêm túc các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng... Mặt khác, nội lực của ngành hàng rau quả xuất khẩu còn yếu, vì quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức liên kết chuỗi giá trị chưa cao, sản phẩm không có thương hiệu..., do vậy mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế...
Theo thống kê của Hiệp hội rau, quả Việt Nam, cả nước hiện có hơn 150 doanh nghiệp có nhà máy chế biến hiện đại, đầu tư mới. Công suất thiết kế 1 triệu tấn nguyên liệu/năm, song con số này mới chỉ chiếm hơn 10% số nguyên liệu Việt Nam sản xuất hằng năm. Thời điểm hiện tại, ngành hàng xuất khẩu rau, quả cần được đầu tư mạnh mẽ về nguồn vốn để tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm, qua đó thúc đẩy cạnh tranh xuất khẩu.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chánh Thu Ngô Tường Vy kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ nhiều hơn nữa về vốn, quỹ đất để doanh nghiệp xây dựng nhà máy, đầu tư máy móc cho chế biến.
Từng bước hóa giải những thách thức nêu trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trước mắt, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với các cơ quan chức năng Trung Quốc để tạo thuận lợi cho quá trình triển khai; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ nghị định thư này. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý, các địa phương kiểm soát chặt chẽ việc quản lý mã vùng, doanh nghiệp giám sát chặt khâu sản xuất và tập trung nguồn lực đầu tư cho chế biến... Có như vậy mới đưa ngành hàng rau, quả đi xa, đi dài và phát triển bền vững.
Cũng về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh quá trình xúc tiến thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời mở rộng thị trường ở những quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Công tác xúc tiến tiến hành đồng thời với sự chuyển đổi trong sản xuất sẽ tạo bứt phá mới, khai thác tối đa nguồn lực cũng như dư địa của ngành hàng xuất khẩu này.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan:
Thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản
Với Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, cá sấu Việt Nam sang Trung Quốc, Bộ NN&PTNT kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, góp phần vào tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Việt Nam. Thời gian tới, Bộ NN&PTNT tiếp tục làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để triển khai các bước tiếp theo sau khi các nghị định thư được ký kết, bảo đảm doanh nghiệp của Việt Nam có thể xuất khẩu các sản phẩm nói trên vào thị trường Trung Quốc một cách thuận lợi.
Trong 3 nhóm mặt hàng vừa ký nghị định thư, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam...
Đối với sản phẩm dừa tươi, các đơn vị, doanh nghiệp, nông dân cần có sự gắn kết, phối hợp với nhau trong việc xây dựng các vùng trồng và cơ sở đóng gói đáp ứng tiêu chuẩn của Trung Quốc, từ đó xây dựng liên kết chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu bền vững và nâng cao vị thế của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.
Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam Cao Bá Đăng Khoa:
Thị trường Trung Quốc còn rất nhiều dư địa
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dừa, kể cả hàng thủ công mỹ nghệ từ sơ dừa đã vượt con số 1 tỷ USD. Dừa tươi Việt Nam đã được xuất khẩu sang một số nước. Đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu dừa qua đường tiểu ngạch hoặc gián tiếp qua nước thứ ba. Việc ký nghị định thư giúp dừa tươi của Việt Nam đường hoàng bước vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt, đây sẽ là cơ hội cho các địa phương có thế mạnh về dừa tại Đồng bằng sông Cửu Long như tỉnh Bến Tre hay tỉnh Trà Vinh tận dụng, khai thác thị trường Trung Quốc đang còn rất nhiều dư địa.
Với nghị định thư vừa được ký kết, dự báo kim ngạch xuất khẩu dừa có thể tăng thêm từ 10 đến 20% mỗi năm. Hiện tại, các doanh nghiệp đã sẵn sàng để xuất khẩu dừa tươi qua thị trường Trung Quốc. Điều quan trọng, xuất khẩu chính ngạch giúp giảm bớt các chi phí trung gian, sản phẩm có thể cạnh tranh tốt hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý, Trung Quốc hiện là thị trường cao cấp và khó tính, nên cần bảo đảm nghiêm các tiêu chuẩn, yêu cầu từ phía thị trường này để trái dừa xuất khẩu bền vững.
Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thiết bị HP Việt Nam Lê Thị Duyên:
Mở ra nhiều hướng đi mới cho doanh nghiệp
Hiện công ty đang sản xuất các loại bột rau, củ, quả, trong đó có sầu riêng với thương hiệu Eherbal. Công ty đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến bột rau, củ, quả tại huyện Chương Mỹ. Quy trình chế biến sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nga và Trung Quốc. Riêng đối với sầu riêng, năm 2022, công ty đã khảo sát và ký kết thu mua sầu riêng nguyên liệu với một số hộ sản xuất ở tỉnh Đắk Lắk và sản phẩm bột chế biến mang thương hiệu Eherbal đã xuất hiện trên thị trường gần 3 năm nay.
Với Nghị định thư mới được ký giữa Việt Nam và Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, công ty sẽ tập trung nghiên cứu chế biến sản phẩm từ sầu riêng và xuất khẩu sang thị trường tiềm năng Trung Quốc. Đây là cơ hội giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị xuất khẩu, mở nhiều hướng đi mới, tiềm năng đối với trái sầu riêng. Doanh nghiệp mong muốn Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp nắm vững các quy định, tiêu chuẩn, có định hướng để có thể xuất khẩu sầu riêng chế biến sang thị trường Trung Quốc.
Minh Phong ghi