Xây dựng, củng cố vai trò của ngoại giao thời đại mới
1. Trong những năm qua, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế.
Thành quả đáng tự hào của ngoại giao Việt Nam là đã phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo thuận lợi cao nhất cho xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta đã tạo dựng được môi trường quốc tế thuận lợi và huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả to lớn nhất mà nền ngoại giao nước ta đạt được là đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn; là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Một kết quả đáng chú ý của lĩnh vực đối ngoại được quốc tế đánh giá rất cao là Việt Nam đã đón nguyên thủ quốc gia của 3 cường quốc hàng đầu thế giới (Trung Quốc, Mỹ và Nga) thăm cấp Nhà nước chỉ trong vòng 9 tháng (từ tháng 9-2023 đến tháng 6-2024) để nâng cấp và làm sâu sắc hơn quan hệ với Việt Nam.
Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, nước ta đã có quan hệ với 224 thị trường tại tất cả các châu lục và tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài - FDI. Lũy kế đến tháng 6-2024, cả nước có 40.544 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký hơn 484 tỷ USD.
2. Với những đóng góp của công tác ngoại giao, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao và củng cố vững chắc trên thế giới.
Một đất nước Việt Nam an toàn, thân thiện, ổn định, hội nhập và phát triển; con người Việt Nam anh hùng, thủy chung, thân thiện, nghĩa tình, yêu chuộng hòa bình và mến khách đã, đang lan tỏa mạnh mẽ trong mắt bạn bè quốc tế.
Khẳng định “chưa bao giờ đất nước ta hội nhập sâu rộng và có đóng góp tích cực với cộng đồng quốc tế như hiện nay”, trong cuộc làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao và lãnh đạo chủ chốt của Bộ Ngoại giao vào ngày 29-8 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngoại giao là: “Xây dựng, củng cố vai trò tiên phong của ngoại giao thời đại mới, ngoại giao trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mục tiêu cao nhất của hoạt động ngoại giao thời đại mới đó là: Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc; vì Đảng vững mạnh; vì nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, có vị trí, vai trò quan trọng trong nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại; vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân”.
Như vậy, ngoại giao thời đại mới tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Vì thế, đòi hỏi công tác đối ngoại và ngành Ngoại giao cần tiếp tục phát triển vượt bậc theo hướng đổi mới toàn diện, hiện đại và chuyên nghiệp. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là kiên định sự lãnh đạo của Đảng về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục xây dựng nền ngoại giao tương xứng với tầm vóc văn hóa, lịch sử, vị thế chính trị và kinh tế của đất nước; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, ngoại giao môi trường, ngoại giao nhân quyền, thông tin; kết hợp chặt chẽ 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân với quốc phòng, an ninh trên nền tảng kinh tế - xã hội Việt Nam.
Tình hình quốc tế đang chuyển biến mau lẹ, sâu sắc, bên cạnh thời cơ và vận hội mới, cũng xuất hiện nhiều thách thức, khó khăn. Trong giai đoạn phát triển mới, việc xây dựng, củng cố vai trò tiên phong của ngoại giao thời đại mới là tất yếu để góp phần phát triển đất nước hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc. Vì vậy, trong bất luận hoàn cảnh nào, cần thực hiện tốt, hiệu quả phương châm ngoại giao xuyên suốt “dĩ bất biến, ứng vạn biến” và luôn lấy hòa hiếu, nghĩa tình, tăng cường tin cậy hữu nghị, yêu chuộng hòa bình để chúng ta “thêm bạn, bớt thù” và kiên định Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới.