Khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện ghép tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Xanh Pôn
Sở Y tế Hà Nội tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" ngành Y tế Hà Nội năm 2024 cho 112 cá nhân; tặng Giấy khen cho 10 tập thể, 23 cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác tư vấn, lấy, ghép mô tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Ngày 30-8, Sở Y tế Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TƯ ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng" và biểu dương "Người tốt, việc tốt" ngành Y tế Hà Nội năm 2024.
Tại hội nghị, Sở Y tế Hà Nội đã tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" ngành Y tế Hà Nội năm 2024 cho 112 cá nhân; tặng Giấy khen cho 10 tập thể, 23 cá nhân có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác tư vấn, lấy, ghép mô tạng từ người cho chết não tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Trước đó, như Báo Hànộimới đã đưa tin, vào đêm 22-8, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã tiếp nhận bệnh nhân N.Đ.Tr (32 tuổi ở huyện Đông Anh, Hà Nội), được đưa vào cấp cứu sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Sau ba lần kiểm tra kỹ lưỡng và chi tiết bởi các chuyên gia đầu ngành, kết quả cuối cùng đã khẳng định, bệnh nhân Tr không thể qua khỏi.
Trước nỗi mất mát to lớn, gia đình bệnh nhân đã đưa ra một quyết định dũng cảm và đầy nhân văn, đó là hiến tạng của người thân để mang lại sự sống cho những người bệnh khác.
Từ nghĩa cử cao đẹp này, hơn 60 y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã phối hợp lấy và ghép tạng cứu sống 6 người bệnh cần được ghép tim, gan, thận, giác mạc.
Đây cũng là lần đầu tiên việc lấy và ghép tạng được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trực thuộc Sở Y tế Hà Nội.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, từ năm 2014 đến nay, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 124-KH/TU của Thành ủy Hà Nội về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng", công tác thi đua, khen thưởng của ngành Y tế Thủ đô đã có nhiều đổi mới, đi vào nền nếp và có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.
Các phong trào thi đua được tổ chức thường xuyên, liên tục; hình thức tổ chức phong phú, đa dạng. Phương pháp chỉ đạo, điều hành được đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chỉ đạo toàn diện, nhưng tập trung có trọng điểm. Ngành Y tế Thủ đô đã chú trọng tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình, mô hình mới.
Theo ông Trần Văn Chung, qua phong trào thi đua "Người tốt, việc tốt", Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện hàng trăm tấm gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu. Những tấm gương rất đỗi bình dị, thường ngày nhưng mang đậm tính nhân văn của cán bộ công chức, viên chức ngành Y tế Thủ đô, góp phần tạo nên sức lan tỏa rộng khắp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, chính trị được giao.
Tính từ năm 2009 đến nay, toàn ngành đã có hơn 11.500 cá nhân đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp ngành, 231 cá nhân được công nhận danh hiệu cấp thành phố và 7 cá nhân được UBND thành phố vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú".
Để tiếp tục phát huy tinh thần thi đua và tạo động lực cho toàn ngành, tại hội nghị, Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Hà Nội Trịnh Tố Tâm đã phát động phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” ngành Y tế Hà Nội chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025).