Hồ sơ

Congo giữa “tâm bão” đậu mùa khỉ : Không vắc xin, thiếu xét nghiệm và phương pháp điều trị

Thương Nguyệt 30/08/2024 - 11:39

Congo, quốc gia Trung Phi đang là tâm điểm của đợt bùng phát đậu mùa khỉ nghiêm trọng, thậm chí thiếu những công cụ cơ bản nhất để ngăn chặn và điều trị căn bệnh nguy hiểm này.

Congo có năng lực hạn chế về chẩn đoán các trường hợp mắc đậu mùa khỉ trong bối cảnh quá trình lây truyền và biểu hiện của bệnh đang biến đổi đầy lo ngại. Thực trạng này đã làm phức tạp thêm những nỗ lực truy vết người tiếp xúc, xác định quy mô và mức độ lây lan thực sự của dịch bệnh.

Không chỉ thiếu hoàn toàn phương pháp điều trị kháng vi rút hiệu quả, Congo cũng thiếu thuốc men cần thiết để chữa trị cho những người mắc đậu mùa khỉ. Hệ thống y tế công cộng yếu kém tại quốc gia này đang phải vật lộn để cung cấp cho người bệnh những dịch vụ chăm sóc cơ bản vốn đã được chứng minh có thể cải thiện tỷ lệ sống sót ngay cả khi không có thuốc kháng vi rút.

2(1).jpg
Nhân viên y tế kiểm tra một ca mắc đậu mùa khỉ tại tỉnh Nam Kivu, Congo. Ảnh: New York Times

Hiện tại, Congo vẫn đang phải chờ hỗ trợ vắc xin để có thể bắt đầu triển khai chiến dịch bảo vệ nhân viên y tế và những trường hợp tiếp xúc gần với người mắc đậu mùa khỉ nhằm nỗ lực kiểm soát sự lây lan vi rút.

Tiến sĩ Jean-Jacques Muyembe-Tamfum, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y sinh quốc gia (NIRB) cho biết, số ca mắc đậu mùa khỉ tại Congo vẫn tiếp tục gia tăng dù số ca bệnh ở phương Tây đã giảm nhanh chóng sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp vào năm 2022.

Hiện nay, các nhà nghiên cứu ở Congo vẫn đang nỗ lực nghiên cứu hành vi của một vi rút đậu mùa khỉ biến thể mới. Biến thể Clade 1a đã lan rộng tại quốc gia này trong nhiều năm nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em tiếp xúc với động vật hoang dã. Tuy nhiên, bệnh bắt đầu lây truyền trong nhóm người trẻ tuổi ở miền Đông, khu vực hiếm khi ghi nhận ca mắc.

3.jpg
Nhân viên y tế tại một trung tâm điều trị đậu mùa khỉ ở tỉnh Bắc Kivu, Congo. Ảnh: New York Times

Đối với một số bệnh nhân, một biến thể khác là Clade 1b dường như không gây tổn thương ở chân, tay hoặc mặt. Do đó, nhiều trường hợp có thể đã cố tình che giấu bệnh do lo ngại bị kỳ thị hoặc mất thu nhập trong thời gian điều trị tại trung tâm y tế.

Bộ trưởng Y tế Samuel-Roger Kamba cho biết, chỉ 30% số trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Congo được xác nhận bằng xét nghiệm phân tử. Phần còn lại được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng.

“Chúng tôi cần xét nghiệm tối đa số ca nghi mắc đậu mùa khỉ để có thể phát hiện toàn bộ người bệnh”, Bộ trưởng Samuel-Roger Kamba khẳng định.

4(1).jpg
Tình trạng thiếu xét nghiệm và biện pháp điều trị khiến Congo gặp khó khăn trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: New York Times

Được đánh giá là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán, năng lực xét nghiệm PCR (sinh học phân tử) của Congo đã được củng cố nhờ sự hỗ trợ quốc tế trong thời kỳ đại dịch toàn cầu Covid-19. Tuy nhiên, quốc gia với diện tích tương đương Tây Âu chỉ có 6 phòng thí nghiệm thực hiện loại xét nghiệm này. Chi phí cũng là vấn đề “đau đầu” khi một xét nghiệm đậu mùa khỉ trên máy PCR GeneXpert vào khoảng 22 USD, trong khi giá mỗi xét nghiệm tại phòng xét nghiệm quốc gia dao động từ 5 đến 10 USD.

Một thử nghiệm tại Mỹ và châu Âu vào các năm 2022 và 2023 cho thấy, thuốc kháng vi rút Tecovirimat có khả năng giúp người mắc đậu mùa khỉ giảm đau đớn. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây do NIBR cùng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) thực hiện đã phát hiện rằng loại thuốc này không có tác dụng đối với các ca bệnh ở Congo.

5(1).jpg
Congo phát hiện các ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại một khu trại ở tỉnh Bắc Kivu. Ảnh: New York Times

Tiến sĩ Nathalie Strub Wourgaft, người đứng đầu mạng lưới Panther được thành lập trong đại dịch Covid-19 nhằm nhanh chóng triển khai thử nghiệm lâm sàng ở châu Phi cho biết, một thử nghiệm lâm sàng về phương pháp điều trị kháng vi rút đậu mùa khỉ tiềm năng đang được tiến hành ở Congo. Thử nghiệm này dự kiến ​​sẽ được nhân rộng tại các quốc gia châu Phi khác đang lưu hành căn bệnh này.

“Chúng ta cần thuốc kháng vi rút để rút ngắn thời gian chữa lành tổn thương, giảm đau và ngăn ngừa bệnh tiến triển cũng như nguy cơ lây truyền”, Tiến sĩ Nathalie Strub Wourgaft nhấn mạnh.

Theo New York Times, mặc dù không có vắc xin đậu mùa khỉ được phát triển riêng nhưng các cơ quan y tế tại những quốc gia thu nhập cao đã cấp phép khẩn cấp cho vắc xin đậu mùa có khả năng đáng kể trong chống lại vi rút đậu mùa khỉ. Chính phủ Congo cũng đã cấp phép sử dụng loại vắc xin này nhưng nguồn hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ vẫn đang trong quá trình hậu cần trước khi được phân phối. Trong khi đó, quá trình mua thêm vắc xin từ Chương trình Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (Gavi) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), những bên cung cấp hầu hết các loại vắc xin cho Congo, đang chậm lại.