55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024): Giá trị, ý nghĩa và tầm vóc thời đạiBài 4: Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành rất nhiều tình cảm, sự quan tâm cho thanh niên. Người luôn tin tưởng vào vai trò, vị trí của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong Di chúc, Người dặn dò Đảng, Chính phủ phải chăm lo đến thanh niên để “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”.
Tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với thanh niên
Trong Di chúc - tác phẩm cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã dành một phần nói về vai trò của thanh niên và công tác thanh niên. Điều này đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Người đối với thanh niên và công tác thanh niên của Đảng.
Người viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đây là sự tổng kết, đúc rút vô cùng quý báu của Người từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh niên qua các thời kỳ cách mạng để tiếp tục định hướng việc giáo dục rèn luyện và phát huy mọi tiềm năng to lớn của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” theo “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa. Điều này cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của Người đối với vận mệnh của cả dân tộc.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn chăm lo đến việc bồi dưỡng, giáo dục thanh niên. Khi mới bắt đầu truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, Người đã chọn thanh niên là đối tượng đầu tiên để sáng lập ra Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội (tháng 11-1924), tổ chức các lớp huấn luyện chính trị đặc biệt để đào tạo bồi dưỡng những thành phần cách mạng cốt cán của thanh niên. Những thanh niên đó chính là lực lượng nòng cốt của cách mạng sau này. Họ chính là những trái ngọt đầu mùa của chủ trương “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” của Người.
Từ lòng yêu thương, sự tin tưởng đối với thế hệ trẻ kết hợp với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những di sản tư tưởng có giá trị về chiến lược xây dựng thế hệ trẻ như: Phải coi trọng giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ có đạo đức, có tri thức văn hóa, khoa học và kỹ thuật giỏi, làm cho họ là những người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Đồng thời, Người cũng thấy được vai trò to lớn của gia đình, nhà trường và các tổ chức đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh niên trong việc giáo dục thanh niên. Do đó, Người căn dặn: “Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải chú ý đến giáo dục tư tưởng, thái độ hoạt động và sinh hoạt hằng ngày của thanh niên để kịp thời khuyến khích, uốn nắn và sửa chữa”.
Vì luôn tin tưởng, kỳ vọng vào thanh niên nên Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn yêu cầu thanh niên phải nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu. Ngày 24-3-1961, khi nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Người đã nhắc nhở thanh niên “cần phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước, phải thực hiện khẩu hiệu: “Đâu Đảng cần thanh niên có, việc gì khó thì thanh niên làm”.
Có thể nói, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” vừa thể hiện tình cảm, sự yêu mến và tin tưởng của Bác đối với thế hệ trẻ; vừa cho thấy tư duy biện chứng đúng đắn của Người trong việc xem xét, đánh giá vai trò của thanh niên đối với sự phát triển của đất nước. Tư tưởng “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” thể hiện sự vĩ đại, sâu sắc trong tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với tư tưởng này, Người không chỉ thấy hiện tại mà còn thấy cả tương lai; không chỉ dành tâm huyết trước mắt cho sự nghiệp cách mạng mà còn chăm lo vun trồng cái gốc của sự nghiệp đó để nó trở nên vững bền.
Ở đây, quan điểm biện chứng duy vật về sự phát triển mà Người tiếp thu từ chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng một cách sáng tạo: Thấy tương lai ở ngay trong hiện tại. Theo Người, thanh niên chính là sự kế thừa và phát triển những giá trị tốt đẹp của các thế hệ đi trước đã tích lũy được trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc nên bồi dưỡng, giáo dục cho thanh niên là một việc làm rất cần thiết.
Tích cực chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau
Xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời gian qua, nhiều thế hệ thanh niên đã nhanh chóng trưởng thành, đóng góp công lao to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Lớp lớp thế hệ thanh niên sinh ra trong chiến tranh đã không tiếc tuổi trẻ, máu xương sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ nền độc lập, hòa bình của dân tộc.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, thế hệ trẻ Việt Nam luôn kiên định lý tưởng xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn và dày công vun đắp. Thanh niên đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo. Thanh niên đang ra sức tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi phương diện, tích cực lao động sản xuất, chinh phục các đỉnh cao khoa học - công nghệ để cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhằm xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Rất nhiều phong trào thi đua của thanh niên đã diễn ra sôi nổi như Thanh niên tình nguyện, Thanh niên lập nghiệp, Thanh niên làm theo lời Bác... được đông đảo đoàn viên thanh niên, sinh viên và học sinh hưởng ứng, thực hiện.
Đảng, Nhà nước và xã hội đã có nhiều hình thức ghi nhận và tôn vinh những thanh niên, sinh viên và học sinh tiêu biểu, xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay đã xứng đáng với niềm tin yêu, sự ghi nhận và kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ”.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, do lối sống thực dụng chạy theo danh lợi bất chấp đạo lý đã dẫn đến những tiêu cực trong xã hội ngày càng phổ biến. Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội chưa được khắc phục triệt để, sự chống phá của các thế lực phản động nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đã tác động không nhỏ đến đời sống đạo đức công dân, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm, ý chí phấn đấu của sinh viên, thanh niên trí thức. Hậu quả là đã có một bộ phận thanh niên, trong đó có không ít sinh viên phai nhạt niềm tin, lý tưởng, mất phương hướng phấn đấu, không có chí lập thân, lập nghiệp; chạy theo lối sống thực dụng, sống thử, sống dựa dẫm, thiếu trách nhiệm, thờ ơ với gia đình và xã hội, sa vào nghiện ngập, thiếu trung thực, gian lận trong thi cử, chạy điểm, mua bằng cấp... Đây là những biểu hiện không thể xem thường.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cần tiếp tục chăm lo cho thế hệ thanh niên - chủ nhân tương lai của nước nhà bằng các chủ trương, chính sách thiết thực, hiệu quả, gắn với nhu cầu, lợi ích cũng như trách nhiệm của thanh niên. Các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là tổ chức đoàn, hội, đội các cấp cần tạo thêm nhiều môi trường bổ ích để thanh niên có thêm điều kiện chứng tỏ và khẳng định bản thân, lập thân, lập nghiệp và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển xã hội. Bản thân mỗi thanh niên cần phải có ý thức tự giáo dục, tự rèn luyện, tu dưỡng để không ngừng hoàn thiện và phát triển, xứng đáng là người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
Ngoài ra, mỗi thanh niên luôn nêu cao tinh thần tiên phong, xung kích; luôn đi đầu trong học tập để lập thân, lập nghiệp; lao động, sản xuất để khẳng định bản thân; nhất là trong các hoạt động xã hội như tình nguyện, về nguồn, đền ơn đáp nghĩa… Với phương châm “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”; với sức trẻ, lòng nhiệt huyết và tinh thần cách mạng, mỗi thanh niên cần tiên phong trong mọi hoạt động vì cộng đồng; không ngại khó, ngại khổ, xứng đáng với niềm tin yêu và sự kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như của Đảng ta dành cho thanh niên.
Tư tưởng “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau” chính là tinh thần xuyên suốt trong “Di chúc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thanh niên và công tác thanh niên. Quán triệt và thực hiện “Di chúc” của Người, cần phải đặc biệt chăm lo bồi dưỡng, giáo dục rèn luyện thanh niên có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất đạo đức, có năng lực để xứng đáng với vai trò là người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên” như Bác đã căn dặn.
(Còn nữa)