Hiến kế cải thiện các bộ chỉ số của Hà Nội
Hội nghị đánh giá kết quả các chỉ số: Cải cách hành chính (PAR INDEX); Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của thành phố Hà Nội và giải pháp nâng cao các chỉ số, do UBND thành phố Hà Nội tổ chức sáng 29-8, được đánh giá là có ý nghĩa thiết thực, gợi mở nhiều vấn đề, giải pháp để từ thành phố đến các cơ quan, đơn vị cơ sở triển khai thực hiện.
Phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận chia sẻ của một số đại biểu dự hội nghị.
TS Vũ Thúy Anh (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội):
Khẳng định quyết tâm cao của thành phố
Trong những năm gần đây, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của thành phố Hà Nội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, xử lý, thay thế, điều chuyển cán bộ; đề án phân cấp, ủy quyền được triển khai hiệu quả. Đặc biệt, thành phố đã triển khai ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) với nhiều tiện ích thiết thực...
Không dừng lại ở thành quả đó, thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị với quy mô lớn, đánh giá sâu sắc kết quả các Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền, chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy quyết tâm rất lớn của thành phố trong việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện, nâng cao các Chỉ số: PAR INdex, SIPAS, PCI, PGI của Hà Nội trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Mai Xuân Trường:
Gợi mở những việc cần làm
Sự phân tích của các chuyên gia tại hội nghị đã gợi mở nhiều điểm mấu chốt, giúp Hà Nội thấy rõ đang ở đâu so với 63 tỉnh, thành phố ở từng nhóm vấn đề; cũng như vấn đề nào là tồn tại chung của cả nước, vấn đề nào là của riêng Hà Nội; địa phương nào làm tốt hơn để soi chiếu, phân tích... Tiêu biểu như trong việc nhìn nhận về Chỉ số hài lòng còn có sự chênh lệch giữa nhóm đại biểu lãnh đạo sở, ngành, huyện và đại biểu HĐND; hay như việc còn nhiều người dân thích làm thủ tục hành chính trực tiếp hơn trực tuyến...
Hội nghị có sự tham dự và chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nội vụ và sau hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đã chỉ rõ từng việc các đơn vị cần phải làm để cải thiện các chỉ số. Bên cạnh đó, việc tổ chức hội nghị được kết nối trực tuyến tới các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn đã tạo sức lan tỏa rất lớn. Các đơn vị sẽ rút ra những giải pháp thiết thực nhất để nâng cao các chỉ số.
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến:
Các khuyến nghị rất cụ thể, thiết thực
Hội nghị này rất thiết thực cho việc nhìn nhận lại thực trạng, kết quả đã đạt được, đặc biệt là những tồn tại trong thực hiện các chỉ số. Qua đó, các đơn vị thấy được những điểm nghẽn để khắc phục. Cụ thể như công tác cải cách hành chính cần tập trung vào việc cải thiện các thủ tục hành chính, để mức độ hài lòng của người dân tăng lên.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã đưa ra các khuyến nghị rất cụ thể để Hà Nội cải thiện, nâng cao các chỉ số, với mục đích cao nhất là nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Hà Nội là một thành phố rất đông dân cư nên tôi cho rằng, cốt lõi của cải cách là làm thế nào để người dân và doanh nghiệp tiếp cận các thông tin kịp thời. Tôi tin tưởng, với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, kết quả công tác cải cách hành chính của quận Tây Hồ nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung sẽ được nâng lên trong năm 2024.