Agribank đồng hành hỗ trợ phát triển đặc sản “khô cá bổi” tỉnh Cà Mau
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Agribank, nhiều hộ dân gắn bó với nghề làm khô cá bổi đặc sản ở Cà Mau có điều kiện kéo dài chuỗi nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Làng nghề cá sặc bổi Cà Mau
Cá sặc bổi (hay còn gọi là cá bổi) sống nhiều ở các vùng bao quanh rừng U Minh hạ. Ngoài lượng cá trong thiên nhiên, hiện nay cá bổi được nuôi thâm canh, nhiều nhất là ở huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh.
Nghề làm khô cá sặc bổi ở Cà Mau có từ lâu đời. Những bậc cao niên trong nghề cho biết, ngày trước, tới mùa thu hoạch cá đồng, ngoài số lượng lớn được bán cho thương lái, người dân ở đây giữ một ít cá ngon để làm khô, làm mắm biếu, tặng cho người thân ở xa. Dần dần khi được nhiều người ưa chuộng, các làng nghề làm khô nói chung và cá bổi nói riêng đã phát triển, phục vụ nhu cầu của thực khách gần xa...
Gia đình ông Lê Minh Đức, ở thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, có nhiều đời sống bằng nghề trồng lúa. Nhưng thấy làm lúa thì chỉ đủ ăn, chứ không thể nào khá hơn được, vậy là từ năm 2011, ông Ba Đức quyết định chuyển toàn bộ hơn 17 công đất ruộng của gia đình thành 7 ao nuôi cá sặc bổi.
Nuôi cá bổi, chi phí ban đầu không lớn, nhưng tiền mua thức ăn cho cá (mỗi ngày 3 cữ, kéo dài trong suốt 12 tháng) thì chi phí khá lớn. Ngoài ra, để cá khỏe và mau lớn thì phải thay nước thường xuyên. Công việc này cũng khá công phu và tốn chi phí. Trung bình một ao cá (diện tích khoảng 2.500m2), mật độ nuôi bình thường, sau 12 tháng nuôi sẽ cho sản lượng khoảng 9 tấn. Nếu tính với giá bán khoảng 40.000-50.000 đồng/kg, thì sau khi trừ hết chi phí, hộ nuôi lãi khoảng 20%, cao gấp 5-7 lần so với thu nhập từ cây lúa.
Tuy nhiên, ông Ba Đức không bán cá tươi tại ao như nhiều nông hộ khác, mà toàn bộ lượng cá thu được, ông đem làm khô. Cá sặc bổi sống ở vùng U Minh hạ nổi tiếng ngon ngọt, thịt cá thơm dai, cho nên khô cá sặc bổi U Minh ít có nơi nào sánh được.
Cộng với kinh nghiệm được tích lũy qua mỗi vụ nuôi, gần đây ông Ba Đức đã cho ra đời một sản phẩm khô bổi hoàn hảo. Ngoài sản xuất, tiêu thụ khoảng 60 tấn cá bổi của gia đình, ông Ba Đức còn liên kết với 6-7 hộ nuôi khác, vừa cung cấp thức ăn cho cá, vừa thu mua toàn bộ sản lượng cá cho bà con khi đến mùa thu hoạch.
Ông Đỗ Quốc Tuấn, Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết thêm, kỹ thuật nuôi là làm cho cá gần giống với cá bổi ngoài tự nhiên, lúc gần thu hoạch sẽ cắt giảm thức ăn để cá không có lượng mỡ dư thừa, từ đó, khô cá bổi sản xuất ra không bị dầu nhiều, ngon và bảo quản được lâu.
Hiện nay, khô bổi Ba Đức được sản xuất theo các tiêu chuẩn quy định của Nhãn hiệu tập thể Khô cá bổi U Minh (do Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời làm chủ sở hữu). Đặc biệt, năm 2021, khô cá bổi Ba Đức còn được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
“Khi có sản phẩm OCOP rồi, người tiêu dùng thấy sản phẩm có sự kiểm soát của Nhà nước, sẽ tin tưởng hơn”, ông Ba Đức chia sẻ.
Agribank hỗ trợ về vốn phát triển đặc sản “khô cá bổi”
Việc kéo dài chuỗi nuôi trồng - chế biến- tiêu thụ đã giúp thu nhập của gia đình ông Ba Đức tăng lên đáng kể. Đặc biệt, đến mùa đông thu hoạch cá và làm khô bổi, cơ sở của ông giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 lao động tại địa phương.
Ngoài nuôi cá, làm khô, ông còn kinh doanh thức ăn cho cá. Mỗi ngày, ông bán được cả tấn thức ăn cho bà con nuôi cá ở địa phương, thu nhập nhờ vậy mà cũng được tăng thêm.
Để có thể thực hiện được toàn bộ kế hoạch nuôi trồng - chế biến - phân phối ra thị trường suôn sẻ như ngày hôm nay, ông Ba Đức luôn trân trọng sự đồng hành của Agribank. Ông Ba Đức còn cho biết thêm: “Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay với lãi suất thấp hơn các ngân hàng khác, khi có thêm vốn thì việc làm ăn sẽ thuận lợi hơn. Nếu không có ngân hàng này thì không thể phát triển đến như ngày hôm nay”.
Với sứ mệnh đồng hành, phát triển “Tam nông”, thời gian qua, nguồn vốn của Agribank Chi nhánh tỉnh Cà Mau luôn tập trung, ưu tiên cho lĩnh vực này. Hiện, tổng dư nợ của Chi nhánh đạt gần 17.800 tỷ đồng, với 60.202 khách hàng, tỷ trọng cho vay “Tam nông” chiếm tỷ lệ gần 90%.
Đặc biệt, mặc dù phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, nhưng Agribank Chi nhánh tỉnh Cà Mau luôn ưu tiên lãi suất cho vay lĩnh vực “Tam nông” thấp hơn từ 4-4,5%/năm.
Theo thống kê, toàn tỉnh Cà Mau hiện có trên 330 cơ sở làm khô cá bổi. Sự đồng hành của Agribank đã giúp bà con làm khô cá bổi có điều kiện ăn nên làm ra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực của vùng đất cực Nam của Tổ quốc.