Tiêu chuẩn hóa cho nông sản Việt
Chuẩn hóa các tiêu chuẩn cho nông sản là vấn đề lớn đang được ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương đặc biệt quan tâm, nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước ngày một tốt hơn và quan trọng là giúp nông sản xuất khẩu gia tăng giá trị, hướng đến phát triển bền vững.
Liên quan đến vấn đề này, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay mà ngành Nông nghiệp cần nhận diện là nền nông nghiệp về cơ bản vẫn đang trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ và phát triển tự phát. Điển hình là hình thức tổ chức sản xuất chính trong nông nghiệp ở nước ta hiện nay vẫn chủ yếu là nông hộ.
Hình thức sản xuất nông hộ về căn bản là không chú trọng đầu tư nâng cao giá trị, tìm kiếm thị trường, chỉ sản xuất cái gì mình có, ít theo tín hiệu thị trường. Vì thế, lâu nay, ở nhiều địa phương luôn xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy làm”, sản xuất nông nghiệp không bám vào quy hoạch, kế hoạch dài hơi, mà luôn chạy theo phong trào, dẫn đến dư thừa sản phẩm.
Vì sản xuất nhỏ lẻ, tự phát nên mới có chuyện rộ lên trong những năm gần đây là có nơi nông dân phải đổ bỏ nông sản vì được mùa, mất giá hoặc phải “giải cứu nông sản”.
Phân tích như vậy để thấy, muốn chuẩn hóa các tiêu chuẩn cho nông sản, việc đầu tiên ngành Nông nghiệp phải làm là “bước qua” nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, tự phát và quyết tâm hướng đến nền sản xuất lớn.
Vậy, nền sản xuất lớn bắt đầu từ đâu? Câu trả lời là cấp có thẩm quyền và các địa phương phải quan tâm đến các cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết, biến những thửa ruộng nhỏ thành những cánh đồng lớn, những vạt rừng nhỏ thành những cánh rừng lớn… Bởi, chỉ khi có những cánh đồng lớn “thẳng cánh cò bay”, chúng ta mới có thể nghĩ đến việc chuẩn hóa các tiêu chuẩn cho nông sản, như: Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; áp dụng khoa học, công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi hoặc áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt trên phạm vi lớn, phát triển chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản…
Thêm nữa, ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần thúc đẩy liên kết sản xuất, như thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác… Chỉ khi các hộ sản xuất nhỏ lẻ cùng tập hợp, tham gia vào hợp tác xã - cánh tay nối dài giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân, chúng ta mới có thể phát triển một nền nông nghiệp sản xuất lớn, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Cùng với đó, các địa phương cần cơ cấu lại vùng trồng, cơ cấu lại ngành sản xuất của từng địa phương theo từng loại sản phẩm có thế mạnh. Ngoài ra, cũng cần quan tâm phát triển, mở rộng và nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cả nước hiện có khoảng 13.000 sản phẩm OCOP, đây là một kênh để tiêu thụ các sản phẩm đã chế biến, giúp tăng giá trị cho nông sản của địa phương theo từng cấp độ. Vì thế, nếu giải quyết tốt vấn đề này, chúng ta vừa có thể giải quyết được áp lực thị trường, vừa tạo thêm được sinh kế từ việc làm cho bà con nông dân, đồng thời góp phần tạo dựng thương hiệu cho nông sản trên thị trường.
Việc tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa các nông sản nhằm mục đích cuối cùng là tạo dựng thương hiệu nông sản chủ lực quốc gia. Một trong những minh chứng cụ thể là chúng ta đang thực hiện thí điểm sản xuất 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Rõ ràng, hướng đi trên là vấn đề “sống còn” của ngành Nông nghiệp Việt Nam, bởi ngoài hạt gạo, nước ta đang có những mặt hàng nông sản được ưa chuộng trên thế giới và đã có vị thế như cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, sản phẩm từ gỗ…
Tựu trung, khi có được những vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn, có sự liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp, chúng ta mới tạo ra được giá trị gia tăng và thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam.