Khuyến khích phát triển vật liệu xây dựng mới, tái chế
Sáng 27-8, Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức trưng bày, giới thiệu một số loại vật liệu xây dựng (VLXD) tái chế, vật liệu mới và tổ chức hội thảo khoa học về việc phát triển các loại vật liệu này.
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng Thủ đô, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong nêu, thành phố đang triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở, dự án đường giao thông trong đó có dự án trọng điểm quốc gia đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Các dự án này cần một số loại vật liệu với số lượng rất lớn. Trong khi đó, thành phố chưa thể chủ động đủ nguồn cung tại chỗ, đặc biệt là các loại vật liệu rời như đá xây dựng, đất đắp, cát san lấp… và phải nhập từ các tỉnh lân cận. Vì vậy, về lâu dài, cần có những nghiên cứu, định hướng phát triển các vật liệu thay thế, vật liệu xanh, bền vững.
Sở Xây dựng đang chủ động, phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, UBND các địa phương tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển sản xuất các chủng loại VLXD mới tiên tiến, vật liệu thay thế vật liệu truyền thống, giảm được ô nhiễm môi trường, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Trung Thành cũng nêu, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành VLXD, trong đó, đặc biệt quan tâm tới các mục tiêu phát triển ngành vật liệu theo hướng bền vững, xanh, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường. “Ngành Xây dựng Thủ đô trong 70 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, bộ mặt đô thị thành phố đã có nhiều thay đổi tích cực. VLXD luôn giữ vai trò rất quan trọng để hình thành các công trình kiến trúc hiện đại, quy mô lớn là cơ quan chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục đại diện cho đất nước”, ông Lê Trung Thành nhấn mạnh.
Ông Lê Trung Thành bày tỏ mong muốn thành phố tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm vật liệu mới, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, vật liệu tái chế, có giá trị kinh tế cao; đồng thời đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất VLXD để nâng cao năng suất, chất lượng và chủng loại.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý, các viện nghiên cứu cùng nhiều doanh nghiệp đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và ứng dụng vật liệu tái chế, vật liệu mới với các giải pháp cụ thể và phù hợp với tình hình thực tế.