Dự thảo quy định mới về dạy thêm, học thêm: Sẽ giúp học sinh được giảm tải?
Những điều chỉnh trong dạy thêm, học thêm liệu có giải quyết tận gốc, giúp học sinh được giảm tải, dư luận xã hội bớt bức xúc?
Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý rộng rãi có một số điểm mới thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.
So với thông tư hiện hành, dự thảo bỏ quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà mình đang dạy chính khóa. Dự thảo cũng bỏ quy định học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn (có chữ ký của phụ huynh) gửi nhà trường...
Nhiều điều chỉnh về dạy thêm, học thêm
Hoạt động dạy thêm, học thêm hiện nay được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành ngày 16-5-2012. Nhằm tăng cường quản lý, chấn chỉnh những biến tướng, tiêu cực từ hoạt động này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm để lấy ý kiến góp ý từ ngày 22-8 đến ngày 22-10-2024.
Điểm mới trong dự thảo so với quy định hiện hành là không đề cập đến những quy định cấm như: Giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà mình đang dạy chính khóa; không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học; giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường... Dự thảo cũng quy định: Không được cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình; không sử dụng câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh...
Với quy định hiện hành, học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn gửi nhà trường (có chữ ký của cha mẹ), thì dự thảo nêu: "Căn cứ vào đề xuất của tổ chuyên môn, hiệu trưởng họp với các thành phần liên quan (có đại diện cha mẹ học sinh nhà trường) thống nhất, công khai mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học để học sinh tự nguyện đăng ký". Thời lượng dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học; không quá 42 tiết/tuần đối với cấp trung học cơ sở; không quá 48 tiết/tuần đối với cấp trung học phổ thông.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Xuân Thành cho biết, việc điều chỉnh quy định về dạy thêm, học thêm nhằm phù hợp với tình hình thực tế, không cấm nhu cầu chính đáng và tăng tính minh bạch, tạo cơ chế để cộng đồng cùng giám sát.
Giảm áp lực học tập
Thực tế cho thấy, việc tổ chức dạy thêm, học thêm là nhu cầu chính đáng của học sinh. Các hành vi tiêu cực chủ yếu do hoạt động dạy thêm, học thêm đã bị biến tướng, bị lợi dụng để làm lợi bất chính, gây áp lực cho học sinh và tốn kém cho gia đình học sinh.
Để chấn chỉnh hoạt động này, thành phố Hà Nội đã có nhiều biện pháp, trong đó nêu rõ trách nhiệm của hiệu trưởng, chính quyền địa phương, phòng giáo dục và đào tạo...; quy định mức thu tối đa cho 1 tiết dạy thêm đối với từng cấp học; hình thức xử lý vi phạm. Trong dịp hè, các trường phổ thông không được dạy thêm, học thêm...
Dù vậy, bà Trần Nguyễn Mai Lan, số 76 phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên) cho biết, những phàn nàn, bức xúc về việc học sinh bị ép học thêm vẫn là chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn. Thậm chí, có nơi còn xếp tiết học thêm xen vào thời khóa biểu chính khóa khiến phụ huynh khó có lựa chọn khác...
Ủng hộ quy định mới, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Việt Nam - Cu Ba (quận Ba Đình) Trần Thị Tố Trinh cho rằng: "Ở một số ngành nghề khác, người lao động đều được quyền làm thêm, như bác sĩ có quyền được mở phòng khám tư, nhưng nghề giáo lại không được dạy thêm, trong khi nhu cầu của phụ huynh là có. Nếu chúng ta “cởi trói” về quy định này và có biện pháp quản lý minh bạch, chặt chẽ thì sẽ hạn chế được các hành vi tiêu cực so với hiện nay”.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, hoan nghênh những dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp dư luận hiểu rõ chủ trương không cấm dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, Bộ cần làm rõ hơn tác hại của dạy thêm, học thêm, trong đó có việc gây áp lực cho học sinh, tốn kém cho gia đình và mâu thuẫn với mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là bảo đảm giáo dục toàn diện. Thực tế, việc dạy thêm, học thêm hiện nay chủ yếu chạy theo việc trang bị kiến thức, trong khi mục tiêu của chương trình mới là giảm kiến thức hàn lâm, rèn phẩm chất, năng lực cho học sinh.
“Chương trình mới đã cắt giảm nhiều kiến thức hàn lâm, tập trung rèn kỹ năng, tư duy và phát triển phẩm chất, việc đặt ra quy định dạy thêm ở trường nên được cân nhắc kỹ. Với những học sinh không theo kịp chương trình, giáo viên có trách nhiệm phụ đạo, có sự hỗ trợ từ ngân sách và không coi đây là dạy thêm, học thêm. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần nghiên cứu phương án tuyển sinh vào các trường chuyên, hạn chế sự lệ thuộc vào thi cử, điểm số, từ đó sẽ giảm áp lực cho học sinh, hạn chế được những bất cập, bức xúc”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đề xuất.