Minh "phố" và nguồn cảm hứng bất tận
Cũng với chủ đề “Phố” mà qua đó họa sĩ Bùi Xuân Phái đã ghi dấu ấn như một “tượng đài”, họa sĩ trẻ Nguyễn Minh đã tìm cho mình một lối đi riêng, khai thác “Phố” dưới con mắt thời đại.
Nói như cách của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Trong các hình khối đầy tính “công nghiệp” lại chứa đựng những vẻ đẹp và giá trị truyền thống. Những vệt loang chảy cùng sự chuyển tiếp tinh tế của các mảng màu đã biến những nét thẳng “công nghiệp” mang nhịp điệu uyển chuyển và làm sống động các khối tưởng như bất động”.
Phố dưới góc nhìn của thời đại
Họa sĩ Nguyễn Minh vẽ phố từ năm 2012 khi còn là sinh viên năm cuối của lớp cao học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, từ lời thôi thúc của thầy giáo - họa sĩ Trần Huy Oánh: “Làm sao để tạo ra sự khác biệt?”. Thời điểm đó, Hà Nội phải chặt cây để làm đường trên cao. Nhìn qua những gầm cầu, anh thấy Hà Nội như đang nặng nhọc giữa đô thị hóa và bao ký ức về Hà Nội xưa cũ ùa về trong anh. Phố phường Hà Nội là nơi anh sinh ra và lớn lên, vì thế, anh muốn vẽ lại chúng với một cách khác biệt.
Kể từ đấy, anh đã tìm tòi về phố ở nhiều khía cạnh, từ văn hóa đến lịch sử, từ kiến trúc đến hội họa, từ đồ họa đến điêu khắc, từ không gian giả lập 3 chiều trong tranh đến không gian vật lý, hình học, từ thói quen sống đến tâm lý vùng miền... Anh đưa những kiến thức ấy vào trong tranh, khiến “Phố” của Nguyễn Minh không có người và các tình huống động mà tất cả được giấu bên trong phố, nhường việc kể chuyện cho chính hình khối, đường nét, bảng màu...
Nếu như giai đoạn đầu là thời điểm anh xây dựng hình ảnh từ những ký họa phác thảo, vẽ theo các phong cách khác nhau để rồi tìm đến sự khái quát về phố thì ở giai đoạn 2, anh cho mình “tự do” tung tẩy, phóng khoáng hơn để rồi giai đoạn tiếp theo là thời điểm của những “cuộc chơi” với những điểm nhấn. Trong giai đoạn 3, anh thử nghiệm điêu khắc kết hợp với hình tượng của di sản, của hạt gạo - đưa nghệ thuật của mình từ thế giới hội họa hai chiều vào không gian điêu khắc ba chiều. Như nhận xét của nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Phố ở “hành trình thứ ba” là sự hoàn thiện bởi nó được hòa đồng trong một khối chặt chẽ và biến ảo không thể tách rời giữa thiên nhiên, những nét cổ kính của Thăng Long, cấu trúc đô thị hiện đại và các câu chuyện được kể trong, ngoài và xung quanh các khu phố của thời đại Nguyễn Minh”.
Trong mỗi giai đoạn ấy, chủ thể “Phố” là điểm khởi đầu cũng như mạch trung tâm cho suy tư và sáng tác. Anh đã thể hiện nghệ thuật bằng hơi thở của thời đại cũng như tiếng nói giàu cảm xúc, đầy lạc quan của thế hệ mình. “Phố đã và đang biến đổi không thể cưỡng lại bởi quá trình đô thị hóa. Đâu đó ta thấy sự ngột ngạt, chật chội, o ép... nhưng tôi lại không muốn thể hiện điều đó trong những tác phẩm của mình. Ngược lại, tôi muốn có cái nhìn lạc quan hơn đối với những biến đổi tất yếu ấy. Trong tranh của tôi ngập tràn sự nhấp nhô của nhịp điệu những căn nhà, mái ngói, tán cây... Tất cả đều trữ tình và lãng mạn” - họa sĩ Nguyễn Minh chia sẻ.
“Làm mới” di sản
Trong những ngày cuối tháng 8 này, họa sĩ Nguyễn Minh cùng nhóm nghệ sĩ Heritage and Art gồm 16 họa sĩ và nhà điêu khắc: Lê Thế Anh, Chu Viết Cường, Lê Đức Tùng, Cao Phương Thảo, Vũ Thùy Mai, Trần Cường, Vũ Đức Hiếu, Nguyễn Tiến Dũng, Trần Thược... sẽ ra mắt triển lãm “Ngày xửa, ngày xưa” tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài - Hà Nội. Với chủ đề đầu tiên được khai thác về “văn hóa mỹ thuật cổ và bảo vật quốc gia”, nhóm nghệ sĩ “trình làng” 39 tác phẩm hội họa, đồ họa và điêu khắc với chất liệu đa dạng, gồm kim loại, sơn dầu, lụa, trúc chỉ, gốm, sơn mài... Theo họa sĩ Nguyễn Minh: “Ngày xửa, ngày xưa” không chỉ là lời mở đầu cho muôn vàn câu chuyện cổ tích thời ấu thơ, mà còn là mở đầu cho câu chuyện di sản mà chúng tôi muốn kể bằng ngôn ngữ hội họa. Trong câu chuyện ấy không chỉ có hình ảnh là họa tiết và hoa văn mỹ thuật cổ, không chỉ có các nhân vật của nghệ thuật múa rối nước, hình ảnh chạm khắc đình làng, tranh dân gian... mà còn là tầng tầng lớp lớp bề dày lịch sử, những giá trị di sản văn hóa Việt được kể qua góc nhìn mang hơi thở của nghệ thuật đương đại.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, việc những người trẻ hôm nay vẫn nhớ chuyện “ngày xửa, ngày xưa”, nhớ về những nét đẹp văn hóa Việt, tâm hồn Việt, di sản Việt... đã khiến cho người đi trước, người của ngày hôm qua phải thảng thốt, giật mình, tự hỏi rằng mình đã từng bao giờ lãng quên nét cũ, duyên xưa? Sự đánh thức, lay động, mách bảo của “ngày xửa, ngày xưa” đã cho người trẻ của thế kỷ này lật những trang mới tinh cho lộ trình đẹp đẽ, sáng sủa của thế hệ mình.
Còn PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, kết nối di sản và hội họa là một cách hay, được thực hiện bởi các nghệ sĩ trẻ đam mê, tâm huyết nên càng nhân lên nhiều ý nghĩa và cần được ủng hộ, khuyến khích.
“Ngôn ngữ hội họa khai thác, kể câu chuyện di sản là cách góp phần để công chúng hiểu nhiều hơn, yêu nhiều hơn những giá trị ngàn xưa để lại của cha ông. Mỗi tác phẩm khai thác chủ đề này không chỉ giúp các nghệ sĩ tiếp tục định hình phong cách, quảng bá tên tuổi mà còn phát huy giá trị di sản, theo con đường riêng để đến với công chúng một cách rộng rãi, ấn tượng” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.
Theo họa sĩ Nguyễn Minh, sau triển lãm “Ngày xửa, ngày xưa”, nhóm sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động đưa nghệ thuật và di sản vào cuộc sống với các nhánh chủ đề như Sáng tạo nghệ thuật cùng nghệ sĩ; Di sản qua ánh mắt trẻ thơ... Đồng thời, họ tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật thông qua di sản văn hóa ở các vùng miền.
“Chúng tôi tôn vinh giá trị của di sản văn hóa Việt và trang bị cho mình hành trang văn hóa để đối thoại cùng bạn bè thế giới. Làm mới chính mình trên cơ sở những phong cách đã định hình chính là một thử thách mà mỗi nghệ sĩ cần vượt qua. Tôi sẽ vẫn tiếp nối câu chuyện di sản về Phố - Làng - Hạt gạo và cố gắng ngày càng đào sâu, chiêm nghiệm, bóc tách... để tìm kiếm và khám phá những trầm tích, tìm kiếm những giá trị ẩn tàng qua góc nhìn của thế hệ trẻ đương đại. Mặt khác, việc có đông đảo họa sĩ tham gia sẽ mang đến cho công chúng góc nhìn đa chiều, thú vị, độc đáo về di sản” - anh chia sẻ.
Chia sẻ về hành trình sáng tạo của mình, họa sĩ Nguyễn Minh cho rằng: “Từ những năm đầu cầm bút sáng tác, tôi đã trăn trở phải làm gì để tạo ra sự khác biệt, để tìm ra chính tôi. Trước những bậc thầy đi trước, những người nghệ sĩ đàn anh, tôi nghĩ mình phải làm gì để không là cái bóng của họ và không là cái bóng của chính mình. Và cứ thế, trong suy nghĩ của tôi về các bài vẽ hình họa, ký họa đến các sáng tác sau này luôn có ý thức “hãy làm khác”. Quả thật, rất khó khi con đường nghệ thuật đã có hàng nghìn lối rẽ khác nhau, làm sao lách qua các lối rẽ ấy để vẫn là mình. Tôi luôn cố gắng và quyết tâm để xứng đáng với cái tên Minh “phố” mà mọi người đặt cho tôi”.