Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập: Hướng đến quản trị hiện đại, hiệu quả
Do thực hiện một cách “cơ học”, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TƯ trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đều chưa đạt yêu cầu.
Hướng đến sự quản trị hiện đại, hiệu quả, còn nhiều vấn đề cần giải quyết khi sắp xếp hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc sắp xếp chưa đạt yêu cầu
Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đạt kết quả tích cực, nhất là giai đoạn 2015-2021 vượt mục tiêu đề ra (giảm 13,33% so với chỉ tiêu 10%).
Tuy nhiên, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu còn mang tính cơ học; giai đoạn 2021-2025, dư địa cho việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thu hẹp dần; tốc độ sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đang chậm lại trong giai đoạn 2021-2023.
Tại Hà Nội, năm 2015 thành phố có 2.787 đơn vị sự nghiệp công lập, đến hết năm 2023 giảm còn 2.685 đơn vị. Như vậy, từ 2015 đến hết năm 2023, thành phố chỉ giảm 102 đơn vị, chưa đạt chỉ tiêu 10%. Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu, qua nhiều lần rà soát sắp xếp, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố được tổ chức theo hướng toàn diện, đồng bộ, cơ cấu hợp lý; giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải.
Tuy nhiên, thành phố còn gặp phải khó khăn do quy định của pháp luật đối với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực chưa được ban hành đồng bộ, dẫn đến việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố có ngành, lĩnh vực còn chưa gắn với định hướng quy hoạch của Trung ương.
Nhìn chung cả nước, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên, việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập hầu hết là do sáp nhập, hợp nhất cơ học các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các ngành, lĩnh vực để giảm số lượng đầu mối. Nguyên nhân là do một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; công tác lãnh đạo, chỉ đạo có thời điểm chưa sâu sát, kịp thời...
Hướng đến một đơn vị cung ứng nhiều dịch vụ
Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021.
Để thực hiện mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, công tác quán triệt, chỉ đạo triển khai thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập cần phải chủ động, quyết liệt, thống nhất trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức của viên chức, người lao động.
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, đến năm 2025, thành phố tiếp tục giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập để đạt chỉ tiêu giảm tối thiểu 20% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015. Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, thành phố chỉ đạo rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập theo mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 19-NQ/TƯ, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thành phố cũng chú trọng nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập, trước hết là năng lực đội ngũ lãnh đạo, quản lý của các đơn vị trong việc đổi mới phương thức quản trị, điều hành đơn vị, xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ. Các cơ quan, đơn vị triển khai các quy định về tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công và thực hiện kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ sự nghiệp công. Lựa chọn một số đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện thí điểm chuyển sang xã hội hóa theo mô hình đầu tư công, quản trị tư, từ đó tổng kết nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thành phố.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng:
Hoàn thiện pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập
Đoàn giám sát đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng luật điều chỉnh chung đối với đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập, báo cáo Quốc hội kết quả nghiên cứu vào cuối năm 2025. Bên cạnh đó, danh mục văn bản quy phạm pháp luật cần rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới kèm theo dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề đã chỉ rõ các nhiệm vụ cần nghiên cứu, rà soát và tiến độ hoàn thành.
Đối với các vấn đề đã rõ, cần sớm sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý đổi mới mạnh mẽ tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thì cần xem xét, ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan. Đối với những vấn đề mới, chưa được luật quy định hoặc chưa được thực tiễn kiểm nghiệm nhưng cần thiết thì nghiên cứu, đề xuất ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Kiểm toán trưởng chuyên ngành II (Kiểm toán Nhà nước) Lê Đình Thăng:
Xác định rõ "sứ mệnh" để có chính sách quản lý phù hợp
Những bất cập từ việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập còn do mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập trên phạm vi cả nước thiếu quy hoạch tổng thể, các đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau, cơ chế quản lý không thống nhất, tạo sự bất bình đẳng trong cùng loại hình cung cấp dịch vụ công, phân tán và chồng chéo về nhiệm vụ, hoạt động không hiệu quả, lãng phí nguồn lực. Chưa kể, các đơn vị sự nghiệp công ở các lĩnh vực khác nhau, địa bàn khác nhau, thực hiện nhiệm vụ khác nhau nhưng lại cùng chung một cơ chế giống nhau.
Cần xác định rõ "sứ mệnh" của đơn vị sự nghiệp công lập, đó là đơn vị giữ vai trò chủ đạo, vị trí then chốt trong cung ứng dịch vụ công theo hướng những hàng hóa, dịch vụ mà lĩnh vực tư nhân không cung cấp hoặc không đủ khả năng cung cấp; bảo đảm an sinh xã hội; phục vụ hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước để có chính sách quản lý phù hợp.
Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng:
Cần có quyết tâm cao
Năm 2015, quận Ba Đình có 59 đơn vị sự nghiệp công lập, đến hết năm 2023 còn 55 đơn vị, giảm 4 đơn vị. Tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối; chức năng, nhiệm vụ được rà soát, điều chỉnh đảm bảo hợp lý, khắc phục được tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý.
UBND quận Ba Đình cho rằng, việc triển khai đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ là công việc hệ trọng, phức tạp, nhạy cảm, vì vậy, cần có quyết tâm cao, tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng, khách quan, khoa học và phát huy dân chủ trong nội bộ.
Khi hợp nhất các cơ quan, tổ chức phải nghiên cứu kỹ thời điểm khi có đủ điều kiện hợp nhất. Trong đó, có tính đến điều kiện của địa phương; ý chí người đứng đầu; năng lực đội ngũ; thực hiện bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng chuẩn ngạch bậc, đáp ứng vị trí việc làm mới; nên làm thí điểm trước, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới triển khai ra diện rộng.
Mai Hữu ghi