Giới trẻ

Lấp đầy "khoảng trống" không gian sáng tạo cho trẻTiến sĩ Lư Thị Thanh Lê (Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội): Cần sự hỗ trợ đồng bộ

Đoan Trang 27/08/2024 11:02

Sở hữu nhiều không gian sáng tạo là lợi thế để Hà Nội thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, hiện thực hóa tầm nhìn sau khi trở thành thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Tuy nhiên, có một thực tế, hiện các không gian sáng tạo dành cho trẻ em tại Thủ đô còn khá khiêm tốn và cũng đang gặp phải không ít thách thức. Hànộimới Cuối tuần đã cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê - Giảng viên Bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội xung quanh vấn đề này.

tre-4.jpg
Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê.

- Thưa Tiến sĩ Lư Thị Thanh Lê, là người quan sát, theo dõi nhiều không gian sáng tạo, bà đánh giá như thế nào về những không gian sáng tạo dành cho trẻ em tại Hà Nội hiện nay?

- Hiện tại, các không gian sáng tạo dành cho trẻ em ở Hà Nội đang ngày càng nhiều và khá đa dạng về hình thức do sự nỗ lực của nhiều bên. Cụ thể, khối Nhà nước có sự tham gia của các trung tâm văn hóa, thể thao của quận, huyện, thành phố, những khu vui chơi, giải trí dành thanh, thiếu niên do Nhà nước quản lý. Khối tư nhân cũng bung nở rất nhiều không gian sáng tạo dành cho trẻ em như Xưởng nghệ thuật Art Tree, Xưởng Sáng tạo - Creative Gara... Các đơn vị này tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí và sáng tạo dành cho trẻ. Đáng chú ý là sự xuất hiện của các không gian sáng tạo chú trọng bồi đắp hiểu biết về văn hóa dân gian cho trẻ em như Phường Bách Nghệ hay Đoài Creative... Chưa kể, bên cạnh những không gian sáng tạo tồn tại một cách vật lý thì còn có các hội, nhóm sáng tạo tồn tại trên không gian mạng và hoạt động kết hợp với các không gian sáng tạo sẵn có, thậm chí là các quán cà phê hay các không gian công cộng...

Tuy nhiên, dù số lượng không gian sáng tạo trong thành phố đang nhiều lên nhưng phần lớn các không gian sáng tạo này đang hướng tới thanh niên, người lớn. Các không gian sáng tạo công cộng dành cho trẻ em khá hạn chế về số lượng, và cũng khá ít không gian sáng tạo phục vụ trẻ em miễn phí. Hiện tại, ở Hà Nội, những địa điểm công cộng có các hoạt động về văn hóa, nghệ thuật sáng tạo đem lại cơ hội tiếp cận cho đông đảo công chúng với mức phí vừa phải có thể kể đến là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam,... Riêng Bảo tàng Hà Nội hiện đang phối hợp với các đối tác nhằm đem lại cho trẻ em và khách tham quan cơ hội tham gia một số hoạt động sáng tạo tại đây, như trải nghiệm làm tranh với vải vụn cùng Vụn art, khâu đồ với Kim Việt, hay vẽ tranh dân gian với LaToa...

- Vừa đóng vai trò là một doanh nghiệp vừa là không gian sáng tạo, theo bà, những không gian sáng tạo dành cho trẻ em hiện nay có thuận lợi gì? Khó khăn mà họ phải đối diện và tìm cách vượt qua là gì?

- Các không gian sáng tạo dành cho trẻ em hiện nay đang có nhiều thuận lợi, nhất là trong bối cảnh Nhà nước đang có chủ trương, chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa, thúc đẩy các không gian sáng tạo, phát triển các không gian công cộng để tăng sự hòa nhập xã hội, tăng trải nghiệm về sáng tạo và khả năng học hỏi suốt đời cho người dân. Mặt khác, cung cấp dịch vụ sáng tạo cho trẻ em là một thị trường có tiềm năng lớn. Nếu các không gian sáng tạo có thể tổ chức được các trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật, sáng tạo tốt cho trẻ em thì sẽ nhận được sự đón nhận của rất nhiều tổ chức, cá nhân, nhà trường và xã hội.

Tuy nhiên, cũng giống như các không gian sáng tạo khác, những mô hình không gian sáng tạo dành cho trẻ em hiện nay cũng gặp những thách thức về vốn, địa điểm, nhân sự, truyền thông, marketing, tiếp cận khách hàng... Đặc biệt là họ cần tạo được sản phẩm có điểm nhấn, có sức thu hút, có tính đổi mới, cải tiến thường xuyên vì các hoạt động sáng tạo rất dễ bị “nhái”, đòi hỏi doanh nghiệp sáng tạo phải nâng cao hơn nữa mức độ cải tiến cũng như bảo vệ bản quyền, duy trì sức cạnh tranh, duy trì tính sáng tạo...

tre-3.jpg
Thực hành in tranh dân gian Đông Hồ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Creative Space for children

- Theo bà, các không gian sáng tạo cho trẻ hiện tại có đóng góp thế nào cho nguồn lực sáng tạo trong tương lai?

- Tôi nghĩ rằng thông qua hoạt động sáng tạo, các không gian sáng tạo phần nào đã thực hiện chức năng giáo dục công chúng. Chẳng hạn như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hay một số không gian sáng tạo khác đang triển khai các chương trình tìm hiểu về các trò chơi dân gian Việt Nam, văn hóa truyền thống Việt Nam, nghề truyền thống của Việt Nam... Điều này góp phần đào tạo một lớp công chúng hiểu biết nhiều hơn về văn hóa Việt.

Vì thế, tôi cho rằng, các không gian sáng tạo dành cho trẻ em góp phần không nhỏ cho việc tạo nguồn lực sáng tạo trong tương lai. Bởi nhiệm vụ, chức năng của các không gian sáng tạo này là tạo bối cảnh, tạo địa điểm để nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo, tổ chức các hoạt động thực hành sáng tạo của trẻ em. Ở các trung tâm này, họ có các hoạt động để thúc đẩy sự sáng tạo, sự tự tin cũng như hiểu biết về các quy trình sáng tạo, các kỹ thuật sáng tạo, từ đó kích thích sự tò mò, tinh thần học hỏi, khả năng sáng tạo của những người tham dự. Điều này cũng góp phần trang bị cho trẻ em năng lực sáng tạo cũng như là sự tự tin sáng tạo.

- Vậy theo bà, giải pháp nào để các không gian sáng tạo này đáp ứng đủ nhu cầu sáng tạo của trẻ em trong tương lai?

- Tìm ra cách thức phù hợp để hỗ trợ các không gian sáng tạo cho trẻ em hoạt động có hiệu quả hơn là một việc làm cần thiết. Hiện tại, để làm tốt công việc của mình thì các không gian sáng tạo cần có sự hỗ trợ đồng bộ. Cụ thể, cần lồng ghép việc thực hiện chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các không gian công cộng, không gian sáng tạo dành cho trẻ trong các chương trình phát triển công nghiệp văn hóa của Thành phố. Đồng thời, Thành phố Hà Nội cũng cần tăng cường triển khai những chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nâng cao năng lực của các không gian sáng tạo dành cho trẻ em này. Khó khăn cần tháo gỡ liên quan tới vấn đề quỹ đất, địa điểm, nhân sự, năng lực tiếp cận khách hàng...

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, là một thành phố sáng tạo, Hà Nội có thể tăng cường đầu tư, đa dạng hóa hơn nữa những không gian sáng tạo nhằm kích hoạt mạnh mẽ khả năng sáng tạo của trẻ em, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển các không gian công cộng và không gian tư nhân dành cho các hoạt động sáng tạo của nhóm trẻ em ở lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở... Đây là một bộ phận dân cư đông đảo của Hà Nội và là nguồn lực sáng tạo của Hà Nội trong tương lai, tạo thêm nhiều không gian sáng tạo cho trẻ chính là một trong những cách giúp Hà Nội xứng đáng là một Thành phố sáng tạo, đáng sống mà trong đó, nhiều trẻ em được chia sẻ niềm vui sáng tạo và kết nối.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!