Đời sống

Lấp đầy "khoảng trống" không gian sáng tạo cho trẻVun đắp tình yêu nghệ thuật cho thế hệ tương lai

Hoàng Lan 27/08/2024 08:00

Tại Hà Nội, các không gian sáng tạo dành cho trẻ được coi là nơi lý tưởng để hun đúc, bồi dưỡng năng khiếu, kích thích khả năng sáng tạo của trẻ.

Từ những không gian này, các hoạt động sáng tạo giúp trẻ em nhận thấy giá trị của nghệ thuật, đào tạo những chủ nhân tương lai có ý tưởng đột phá, tư duy đổi mới, tự tin giải quyết những thách thức của môi trường và xã hội.

Xây những giấc mơ cho trẻ

Gần 10 năm trước, Think Playgrounds có thể được coi là doanh nghiệp xã hội đầu tiên đặt nền móng cho không gian vui chơi sáng tạo dành cho trẻ em tại Hà Nội. Từ đó đến nay, những sân chơi hoàn toàn miễn phí với các loại đồ chơi ngộ nghĩnh làm bằng vật liệu tái chế đã qua xử lý... dần trở nên phổ biến trong lòng đô thị hiện đại, làm thay đổi nhận thức của nhiều người về sân chơi cho trẻ em. Đó chính là giấc mơ đẹp mà Think Playgrounds đã mang đến cho hàng nghìn em nhỏ.

tre-1.jpg
Các em được học làm đồ chơi dân gian tại không gian sáng tạo Phường Bách Nghệ. Ảnh: Phường Bách Nghệ

Đồng hành cùng Think Playgrounds, nhiều tổ chức, cá nhân tại Hà Nội cũng đang chung tay xây dựng không gian vui chơi cho trẻ. Về phía các thiết chế của Nhà nước, đáng kể nhất là sự góp sức của Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... Ra đời từ năm 2011, “Không gian sáng tạo cho trẻ em” (Creative Space For Children) của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đón hàng ngàn em nhỏ đến khám phá, cảm thụ và trải nghiệm nghệ thuật. Thông qua các hoạt động như xây dựng hộp khám phá, các tour tham quan có hướng dẫn theo nội dung; các hoạt động theo chủ đề; tổ chức nói chuyện chuyên đề học thuật phù hợp với từng nhóm đối tượng, các workshop thực hành trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật..., tình yêu nghệ thuật của nhiều khán giả nhí đã được ấp ủ và nảy mầm.

Có mặt trong workshop về tranh lụa mang tên “Lụa là”, diễn ra vào đầu tháng 8 vừa qua tại “Không gian sáng tạo cho trẻ em”, chứng kiến những ánh mắt sáng bừng lên sau lớp vải lụa, tôi mới hiểu hết câu nói của họa sĩ Vương Lê Mỹ Học, Trưởng phòng trưng bày giáo dục - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - trong buổi workshop: “Điều mà Bảo tàng mong muốn chính là không khí của buổi hôm nay, khi các bạn trẻ đến đây trải nghiệm, thử thực hành, từ đó khơi dậy niềm say mê và tình yêu nghệ thuật”.

Cũng giống như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, các bảo tàng trên địa bàn Thủ đô như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội... trong thời gian qua rất chú trọng thay đổi, làm mới, đa dạng hóa nội dung chương trình phục vụ khách nhằm đáp ứng nhu cầu và đem đến những trải nghiệm có ý nghĩa cho công chúng nhỏ tuổi.

Đề cao tính trải nghiệm, thúc đẩy sự tìm tòi sáng tạo cho trẻ trở thành mục tiêu mà nhiều tổ chức, tư nhân hướng tới trong việc tạo dựng các không gian sáng tạo dành cho trẻ em. Tại Xưởng sáng tạo Creative Gara (Complex 1, ngõ 167 Tây Sơn, Hà Nội), các bạn nhỏ lứa tuổi từ 3 - 15 có cơ hội tự lên ý tưởng, thiết kế và tạo ra những sản phẩm của riêng mình. Tại đây, các em được gọi là “những bác thợ mộc nhí” khi tự cưa, cắt, đóng đinh, làm nhẵn những miếng gỗ được ghép theo chủ đề của mỗi tuần. Bên cạnh gỗ, Xưởng còn có những vật liệu đơn giản khác như chai lọ bỏ đi, sỏi đá... Qua trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo và sự khéo léo của các em nhỏ, những thứ bỏ đi đó trở thành những món đồ chơi có một không hai.

“Tự mình tham gia từ đầu đến cuối vào các công đoạn làm đồ chơi, đồ trang trí thú vị hơn nhiều so với việc đến cửa hàng mua về” - đó là điều mà nhân viên tại Creative Gara nói với các vị phụ huynh đưa trẻ tới khám phá tại đây.

Còn tại Xưởng nghệ thuật Art Tree trực thuộc Trung tâm Unesco Mỹ thuật Hà Nội, các em nhỏ cảm thụ nghệ thuật qua những bức tranh, thu nhận kiến thức về mỹ thuật qua lời giảng của các giáo viên. Bài học mỹ thuật đến với trẻ thông qua trải nghiệm thực tế. Mỗi trò chơi như một dự án nhỏ thúc đẩy các em tìm ra niềm đam mê và thế mạnh thực sự của bản thân khi bước ra ngoài xã hội về sau này. Đó có thể là một đêm trình diễn tràn ngập âm nhạc cùng với những bộ sưu tập thời trang do chính tay các em tự thiết kế từ vật liệu tái chế. Đó cũng có thể là một dự án thiết kế poster mà ở đó chính các em sẽ phải thuyết trình về tác phẩm của mình, bày tỏ quan điểm của bản thân trước những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, nói lên những điều mình khao khát về một thế giới tốt đẹp hơn...

Đặc biệt, Hà Nội ngày càng xuất hiện nhiều không gian sáng tạo lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian, như Đoài Creative, Phường Bách Nghệ... Tại những nơi này, trẻ được trải nghiệm nhiều cách thực hành văn hóa dân gian, sáng tạo tranh dân gian, làm đồ chơi dân gian, viết thư pháp... để rồi tự tìm thấy sự kết nối với văn hóa Việt Nam qua từng sản phẩm thủ công, cùng nhau tiếp tục viết nên những chương mới cho câu chuyện của các làng nghề truyền thống.

Còn nhiều ngổn ngang

Có thể nói, cho tới nay, tại Việt Nam ngày càng có nhiều sân chơi quan tâm đến yếu tố sáng tạo nhằm khuyến khích sự phát triển toàn diện của trẻ em. Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng có thể duy trì lâu dài bởi những không gian này phải đương đầu với nhiều khó khăn, những rào cản cần vượt qua. Vấn đề đầu tiên là địa điểm. Do chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể về địa điểm nên những ngày đầu hoạt động, nhóm Think Playgrounds đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng, chính quyền ở nơi xây dựng sân chơi.

“Những ngày đầu, Think Playgrounds đã phải làm việc đơn độc vì không nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ngoài ra, nhóm cũng gặp thất bại ở một số chung cư mới khi một bộ phận người dân có ý định lấn chiếm không gian để kinh doanh” - ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Phó Giám đốc, thành viên sáng lập Think Playgrounds chia sẻ.

Các không gian sáng tạo dành cho trẻ em như Phường Bách Nghệ, Xưởng nghệ thuật Art Tree, Creative Gara... đều gặp phải khó khăn chung, đó là áp lực phải luôn đổi mới, nâng cao được tính trải nghiệm, nhập vai để thu hút được công chúng nhỏ tuổi. Những yêu cầu đó được đặt ra trong bối cảnh các không gian sáng tạo thiếu thốn đủ bề.

Đào tạo nguồn lực sáng tạo bắt đầu từ thế hệ trẻ

tre-2.jpg
Các em được học làm đồ chơi dân gian tại không gian sáng tạo Phường Bách Nghệ. Ảnh: Phường Bách Nghệ

Mới đây, trong buổi giới thiệu của Phường Bách Nghệ về đồ chơi dịp Trung thu, tôi đã chứng kiến nhiều khán giả nhí ồ lên thích thú khi được tận tay chạm vào Tiến sĩ giấy, món đồ chơi Trung thu thường thấy của trẻ em. Bọn trẻ hỏi nhau: Vì sao Trung thu lại chơi Tiến sĩ giấy?, hai ông cầm gậy đứng bên cạnh là biểu tượng cho điều gì, và việc để Tiến sĩ giấy trong nhà mang lại ý nghĩa gì?...

Và tôi đã hiểu tại sao Thành phố Hà Nội luôn quan tâm, khuyến khích xây dựng nhiều hơn nữa những không gian như thế này, nơi mà bên cạnh việc giúp trẻ tiếp cận nghệ thuật thì còn có vai trò lớn hơn, đó là đào tạo công chúng nghệ thuật cho tương lai.

Để hướng tới xây dựng Thành phố sáng tạo đúng nghĩa, việc lấp đầy những "khoảng trống" trong tiếp nhận nghệ thuật của khán giả là rất quan trọng. Và ai cũng hiểu, trẻ em chính là thế hệ khán giả tương lai, lực lượng góp sức duy trì và phát huy năng lực sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, một trong 3 nhân tố quan trọng của mô hình: Người sáng tạo tác phẩm - người biểu diễn - người thưởng thức nghệ thuật.

Thực tế, những không gian sáng tạo dành cho trẻ đã và đang góp phần không nhỏ thúc đẩy tình yêu nghệ thuật, niềm say mê sáng tạo cho thế hệ trẻ. Để những không gian này phát huy hơn nữa vai trò của mình, rất cần sự chung tay của nhiều cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là về việc nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp, cũng như sự ủng hộ của chính quyền địa phương. Đặc biệt, công tác giáo dục học đường cần có sự bổ sung nội dung giảng dạy văn hóa nghệ thuật như là những nội dung giáo dục chính; tổ chức các khóa học ngoại khóa về văn hóa, nghệ thuật, đưa các em đến gần hơn với đời sống văn hóa, nghệ thuật...

Tất cả cần chung tay hành động thiết thực để thế hệ tương lai trở thành lứa khán giả được trau dồi kiến thức, hiểu rõ những chuẩn mực cơ bản của nghệ thuật, giá trị của sự sáng tạo, biết được những gì đang tiếp nhận có giá trị ở mức độ nào... Tình yêu, sự hiểu biết đó chính là động lực cho giới sáng tạo, là “thước đo” chất lượng tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm, dịch vụ mang tính sáng tạo. Quan trọng hơn, việc cải thiện thẩm mỹ, nhu cầu, thị hiếu thưởng thức của công chúng cũng là yếu tố quan trọng góp phần kích thích tinh thần đổi mới, sáng tạo.