Trung Quốc thúc đẩy trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu và chế tạo robot
Ngày 26-8, SCMP đưa tin, Chính quyền thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) đã thông báo thành lập Học viện Tiêu chuẩn hóa trí tuệ nhân tạo (AISA), nhằm thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn cho sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) và ứng dụng của chúng trong ngành công nghiệp robot.
Học viện sẽ nghiên cứu về ứng dụng AI, quản trị AI... qua đó thúc đẩy các giải pháp tiêu chuẩn nhằm giải quyết những thách thức phổ biến trong triển khai AI, đặc biệt trong lĩnh vực robot.
Với lĩnh vực robot, học viện cũng hướng đến xây dựng một hệ thống mở nhằm khuyến khích các nỗ lực hợp tác nghiên cứu.
Động thái mới của Trung Quốc diễn ra ngay sau khi Triển lãm Robot thế giới 2024 (diễn ra ở Bắc Kinh) kết thúc. Đây là sự kiện được cho là thể hiện rõ nét tầm nhìn của nền kinh tế số 1 châu Á trong lĩnh vực robot.
Theo Liên đoàn Robot quốc tế, Trung Quốc chiếm hơn một nửa số robot công nghiệp lắp đặt trên thế giới vào năm 2022 và tỷ lệ đó đang tăng lên.
Triển lãm Robot thế giới 2024 có sự tham gia của 169 doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới, trưng bày hơn 600 sản phẩm sáng tạo, trong đó có hơn 60 sản phẩm robot lần đầu ra mắt và 27 robot hình người.
Triển lãm chứng kiến từ các nhà sản xuất robot công nghiệp truyền thống cho đến các nhà phát triển robot hình người, các công ty địa phương Trung Quốc... trình diễn hàng loạt sản phẩm robot ứng dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) - công nghệ nền tảng cho các dịch vụ như ChatGPT của OpenAI.
Giới chuyên môn đánh giá, việc áp dụng LLM vào các thiết bị robot sẽ cải thiện đáng kể hiệu quả, nhất là trong môi trường công nghiệp. Các loại robot công nghiệp hiểu được các lệnh thoại tinh vi sẽ cho phép con người vận hành thông qua các hướng dẫn bằng lời nói.
Phát biểu sau khi đến tham quan Triển lãm Robot thế giới 2024 diễn ra ở Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường cũng cho rằng Trung Quốc cần nỗ lực tạo ra một hệ sinh thái đổi mới mở, hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ quan nghiên cứu nước ngoài đến đầu tư kinh doanh, khám phá sâu thị trường Trung Quốc.