Về miền tuổi thơ dịu ngọt

Sách - Ngày đăng : 10:43, 07/01/2023

(HNMCT) - Tập thơ thiếu nhi “Vườn hoa của bé” (NXB Thuận Hóa) vừa ra mắt độc giả là món quà dễ thương mà nhà thơ xứ Huế Ngàn Thương gửi đến các bạn nhỏ và những ai muốn trở về với miền tuổi thơ dịu ngọt. Trước đó, nhà thơ Ngàn Thương đã xuất bản hàng loạt tác phẩm như “Trong vườn trí tưởng“ (1973), “Lãng giữa chiêm bao” (1998), “Nến chiều” (2002), “Dấu chân phố” (2006), “Thủng thẳng qua cầu” (2011), “Giấc khuya” (2013), “Buông” (2015), “Thu vàng bay” (2020).

“Vườn hoa của bé” gồm 59 bài thơ. Người đọc cùng tác giả về miền tuổi thơ êm dịu tựa như câu hát ru của bà ngân dài trong những trưa hè bên nhịp võng đưa. Ở đó có cánh diều thênh thang no gió giữa đồng chiều yên ả, có đàn trâu thong thả gặm cỏ trên đồng, có con đò nằm phơi mình bên bến nước làng quê giữa mây trời xanh thẳm, có bếp lửa cay cay ngày mưa nhiều. Hình ảnh làng quê thân thương, bình dị lần lượt hiện ra khiến người đọc như trôi theo về miền xưa cũ, để ký ức ngủ quên đâu đó bỗng mở cửa bước ra.

Viết cho các em nhỏ nhưng cũng là viết cho chính mình khi nhà thơ Ngàn Thương nhắc nhớ về những dấu xưa yên ả. Bằng sự quan sát tỉ mỉ và tinh tế qua đôi mắt trong veo hồn nhiên của trẻ thơ, nhà thơ đã đưa nhiều hình ảnh đẹp của làng quê thật giản dị và giàu sức biểu cảm. “Ruộng đồng lúa trổ đòng đòng/ Cánh cò lơi lả mênh mông giữa trời/ Trâu xanh mài miệt luống cày/ Đất nâu in dáng mẹ gầy nắng, mưa (“Vườn hoa của bé”); “Tạm xa thầy, bạn thân quen/ Về quê đắm giữa bình yên nồng nàn/ Cánh diều em thả thênh thang/ Gió lay trong nắng rực vàng bên sông/ Con đò như níu phượng hồng/ Không còn trôi nữa bồng bềnh theo mây (“Khúc hạ”); “Rơm vàng trải thảm đón xuân/ Đường quê em bước ngập ngừng sương rơi/ Mang theo một chút khói trời/ Đọng trên những mái tranh nghèo hoàng hôn (“Chạm mùa”).

Trong “Vườn hoa của bé”, nhà thơ lồng ghép, gửi gắm rất nhiều bài học cuộc sống một cách tự nhiên, từ việc bé dậy sớm quét nhà, tưới cây để đón chào nắng sớm vào nhà với tinh thần “Lớn làm việc lớn, nhỏ làm việc nhỏ/ Nhớ lời mẹ dặn ngày xưa/ Dậy sớm quét nhà sạch sẽ/ Sáng mai nắng xuống la đà (“Mỗi ngày”). Đó là tiếng chào luôn đằm thắm trên môi khi đến lớp, khi ra đường, lúc gặp thầy cô, người thân, bè bạn; là hành vi biết bỏ rác đúng nơi quy định; chăm chỉ học hành và yêu lao động. Nhưng trên hết là tình yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình, kính trọng thầy cô giáo. Người đọc rưng rưng theo nỗi nhớ ngoại của bé: “Ngoại giờ đi xa lắm/ Cưỡi hạc về phương nao/ Nhớ xuân xưa dáng ngoại/ Lom khom dưới cội đào (“Xuân nhớ ngoại), hay “Thế rồi bà biến mất/ Sau khung cửa đầy trăng/ Cháu nhìn theo ngơ ngẩn/ Lòng nao nao nhớ thầm” (“Thương về ngoại”). Có khi là tình cảm ấm áp của bé dành cho mẹ giữa một ngày mưa ẩm ướt: “Đưa tay con đón/ Mẹ về dưới mưa/ Con khêu bếp lửa/ Đốt ngọn gió lùa” (“Mẹ và cơn mưa”)...

Thơ viết cho thiếu nhi, nên câu chữ vừa ngắn gọn, xúc tích nhưng giàu hình ảnh và cảm xúc: “Cỏ nội hương đồng/ Trăng khuya ghé lại/ Chim tha về/ Từng hạt nắng ca dao (“Hạt nắng ca dao”). Có rất nhiều lần, tác giả thể hiện sự quan sát tinh tế của mình qua những câu thơ giàu sức biểu cảm với những phép liên tưởng, so sánh đầy thú vị: “Gió như nghìn cánh, bay hoài/ Bao nhiêu niềm nhớ rơi ngoài dặm sương”, “Người về mưa bụi chơi vơi/ Khóm hoa nở, chỗ mẹ ngồi rưng rưng”...

Đọc “Vườn hoa của bé”, người đọc mường tượng ra những cậu bé, cô bé với đôi mắt tròn xoe hăm hở ngắm nhìn cuộc sống. Một con bướm xinh xinh chập chờn trong vườn vắng, một chiếc lá vàng rơi nằm yên ả bên thềm, đàn gà con liếp chiếp theo mẹ kiếm mồi trong một sớm mai đầy hơi sương và cả vệt khói xám như nốt nhạc buồn ngân dài trong chiều vắng, tất cả đều khiến các cô cậu dừng lại, ngắm nhìn với sự tò mò háo hức.

Giữa thanh âm bộn bề của cuộc sống, được đọc những bài thơ trong veo hồn nhiên như lá cỏ, chợt thấy lòng mình cũng bé lại như trẻ thơ, hồn nhiên mà rất đỗi ngọt ngào.

Lê Hà