Điểm nóng

Kinh tế Israel đối mặt với khó khăn do xung đột

Quỳnh Dương 26/08/2024 - 18:51

Gần 11 tháng sau cuộc chiến với Hamas, nền kinh tế Israel đang gặp khó khăn khi các nhà lãnh đạo nước này tiếp tục theo đuổi cuộc tấn công ở Dải Gaza mà không có dấu hiệu kết thúc và có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột trên diện rộng.

4.jpeg
Du khách nước ngoài tới chợ Haifa giảm nghiêm trọng. Ảnh: RFA

Ngày 26-8, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu xoa dịu mối lo ngại bằng tuyên bố rằng, thiệt hại kinh tế chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, cuộc chiến đẫm máu và tàn khốc nhất từ ​​trước đến nay giữa Israel và Hamas đã gây tổn hại đến hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và làm tổn hại đến tín nhiệm quốc tế vào một nền kinh tế từng được coi là động lực của tinh thần khởi nghiệp.

Tại phố cổ Jerusalem, hầu hết cửa hàng lưu niệm đều đóng cửa. Tại khu chợ trời Haifa, những người bán hàng buồn bã vệ sinh hàng hóa trên những con phố vắng tanh. Các hãng hàng không hủy chuyến bay, doanh nghiệp phá sản và các khách sạn sang trọng chỉ vận hành ½ công suất.

Một số nhà kinh tế hàng đầu cho rằng, lệnh ngừng bắn là cách tốt nhất để ngăn chặn thiệt hại. Theo ông Karnit Flug, cựu Giám đốc Ngân hàng Trung ương Israel: “Nền kinh tế hiện đang chịu sự bất ổn rất lớn và điều này liên quan đến tình hình an ninh - cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu, mức độ khốc liệt ra sao và liệu có tiếp tục leo thang.

Sự kéo dài cuộc chiến và nguy cơ leo thang xung đột với Iran và lực lượng ủy nhiệm Hezbollah, Houthi có tác động đặc biệt nghiêm trọng đến du lịch. Mặc dù du lịch không phải là động lực chính của nền kinh tế Israel, nhưng hàng nghìn lao động và doanh nghiệp nhỏ trong ngành này đang chịu ảnh hưởng.

Hướng dẫn viên du lịch người Israel Daniel Jacob lo ngại: "Điều khó khăn nhất là chúng tôi không biết khi nào chiến tranh sẽ kết thúc. Nhiều gia đình đang sống bằng tiền tiết kiệm. Chúng tôi cần kết thúc chiến tranh trước cuối năm nay. Nếu kéo dài hơn, chúng tôi không biết sẽ trụ được bao lâu nữa".

Bên cạnh đó, chi phí tái thiết, bồi thường cho gia đình nạn nhân và binh lính dự bị, cũng như chi tiêu quân sự khổng lồ tiếp tục là gánh nặng đối với quốc gia Do Thái.

Yacov Sheinin, một nhà kinh tế học từng có kinh nghiệm hàng chục năm làm cố vấn cho các thủ tướng và bộ ngành của Chính phủ Israel cho biết, tổng chi phí của cuộc chiến có thể lên tới 120 tỷ USD, tương đương 20% ​​tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước.

Ngân hàng Israel hiện dự đoán tốc độ tăng trưởng là 1,5% năm 2024. Bộ Tài chính cho biết, thâm hụt của đất nước trong 12 tháng qua đã tăng lên hơn 8% GDP, vượt xa tỷ lệ thâm hụt trên GDP là 6,6% mà Bộ này dự kiến ​​cho năm 2024.

Tổ chức đánh giá tài chính Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Israel từ A+ xuống A vào đầu tháng này. Việc hạ xếp hạng có thể làm tăng chi phí đi vay của Chính phủ.

Fitch cảnh báo, xung đột ở Gaza có thể kéo dài đến năm 2025 khiến chi tiêu quân sự bổ sung đáng kể, cơ sở hạ tầng bị phá hủy sẽ gây ra những thiệt hại kéo dài hơn đối với hoạt động kinh tế và đầu tư.