Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Khu Cháy - nơi tên đất, tên làng đi vào lịch sửBài cuối: Để di tích lịch sử trở thành nguồn lực
Khu Cháy - miền quê giàu truyền thống cách mạng đang đứng trước thách thức: Làm sao để những di tích lịch sử nơi đây không “ngủ quên” mà trở thành nguồn lực phát triển? Thực tế cho thấy, khi các di tích lịch sử kết hợp với du lịch không chỉ phát huy giá trị truyền thống, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả như mong muốn, rất cần giải pháp cụ thể, đồng bộ từ nhiều phía.
Nguồn tài nguyên du lịch độc đáo
Trong hai cuộc kháng chiến, Khu Cháy luôn là biểu tượng của tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, khi gõ từ khóa “ATK Khu Cháy”hoặc “Khu Cháy” trên công cụ tìm kiếm Google, thấy rất ít nội dung liên quan. Dường như những trang sử vẻ vang của Khu Cháy bị lãng quên trên không gian mạng? Đáng suy ngẫm hơn, không ít người, nhất là thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên tại vùng đất này, khi được hỏi về lịch sử Khu Cháy còn chưa hiểu rõ. Sự thiếu hụt thông tin trên các phương tiện truyền thông khiến truyền thống hào hùng của vùng đất này chưa được lan tỏa xứng đáng.
Chính vì vậy, chính quyền và không ít người dân địa phương mong muốn thành phố cùng các cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư xây dựng khu trưng bày di tích lịch sử kết hợp giới thiệu làng nghề truyền thống nhằm lưu giữ những giá trị truyền thống, đồng thời tạo điểm đến hấp dẫn du khách. Sự kết hợp này không chỉ giúp truyền tải toàn diện hơn hình ảnh Khu Cháy trong quá khứ và hiện tại, mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất này.
Ông Trương Minh Tiến, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Hà Nội, người con của thôn Tảo Khê (xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa) bày tỏ: “Nếu có thể phát triển du lịch kết hợp bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, tôi tin rằng Khu Cháy sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, du khách được chiêm ngưỡng chứng tích lịch sử, cảm nhận được hơi thở đời sống nông thôn xanh ngay sát nội thành Hà Nội”.
“Trong tương lai, khi được đầu tư phát triển đúng mức, Khu Cháy không chỉ lưu dấu chiến công năm xưa, mà giá trị văn hóa, tinh thần cả vùng được khơi dậy mạnh mẽ. Thế hệ con cháu của Khu Cháy tự hào về quá khứ hào hùng của quê hương và được sống trong miền quê hấp dẫn, nơi mà mỗi bước chân đều dội vang tiếng vọng của lịch sử hòa nhịp sống hiện đại. Đó là ước mơ, khát vọng và cũng là trách nhiệm của mỗi người dân Khu Cháy hôm nay”, Chủ tịch UBND xã Đồng Tân Đinh Quang Lĩnh khẳng định.
Hiện thực hóa khát vọng
Quả thực, Khu Cháy không chỉ là biểu tượng đẹp của quá khứ, mà còn là tài sản vô giá của hiện tại và tương lai. Việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn di tích lịch sử là cách để giữ gìn, phát huy giá trị quý báu của vùng đất này, đồng thời là hướng đi bền vững góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân.
Chị Nguyễn Thị Tố Uyên, nhân viên Bảo tàng Khu Cháy, chia sẻ: “Những năm gần đây, thành phố Hà Nội và huyện Ứng Hòa không ngừng quan tâm đầu tư cho Bảo tàng. Không gian trưng bày của Bảo tàng được đầu tư ứng dụng nhiều thiết bị hiện đại, sinh động, hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm. Nhờ đó, nhân dân, du khách ghé thăm Bảo tàng ngày càng nhiều”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho hay: Với lợi thế sở hữu nhiều di tích lịch sử và văn hóa đặc sắc, Ứng Hòa không ngừng nỗ lực quy hoạch, tôn tạo các điểm đến để phục vụ mục tiêu phát triển du lịch. Huyện hiện có 433 di tích, trong đó 161 di tích đã được xếp hạng cùng với 63 di sản văn hóa phi vật thể, bao gồm 50 lễ hội, 8 nghề thủ công, 3 tập quán xã hội và 2 tri thức dân gian. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa quý báu, nếu được khai thác đúng cách sẽ trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế địa phương.
Hiện nay, du lịch Ứng Hòa hình thành hai tuyến chính: Tuyến thứ nhất bao gồm tham quan Di tích Nhà bảo tàng Khu Cháy, Đồng Tân - khu di tích chùa Chòng, đền Đông, Trầm Lộng - Khu lưu niệm xóm Cộng Hòa, Viên Đình; thăm và tìm hiểu nghề làm đàn thôn Đào Xá, xã Đông Lỗ - nghề may áo dài Trạch Xá, xã Hòa Lâm. Tuyến thứ hai, du khách thăm Bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn, xã Hòa Xá - cảnh quan sông Đáy và Đền Đức Thánh Cả, xã Hồng Quang - đình Hoàng Xá, thị trấn Vân Đình và thưởng thức đặc sản vịt Vân Đình…
Trong tương lai, Ứng Hòa định hướng phát triển du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch văn hóa lịch sử cách mạng. Chẳng hạn như xã Trầm Lộng đã xây dựng mô hình du lịch trải nghiệm tại địa chỉ ATK Chùa Chòng, nơi đang được đầu tư, tôn tạo xứng tầm vị thế lịch sử. Và Khu trải nghiệm Nhà Diều với diện tích hơn 3ha cũng là điểm đến thu hút giúp du khách có thể hòa mình vào không gian văn hóa đình làng, tham gia hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, sản phẩm từ những làng nghề trên địa bàn không chỉ phục vụ đời sống, mà còn là những món quà lưu niệm độc đáo, mang bản sắc địa phương.
Mặc dù có tiềm năng lớn nhưng việc khai thác giá trị di tích lịch sử và làng nghề truyền thống tại Ứng Hòa vẫn gặp khó khăn. Hạ tầng giao thông kết nối huyện với nội đô và vùng phụ cận chưa hoàn thiện là một trong những trở ngại lớn. Bên cạnh đó, tư duy phát triển du lịch chưa hình thành đồng bộ, chuyên nghiệp...
Theo Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền, để đưa Khu Cháy trở thành điểm du lịch hấp dẫn, cần có chiến lược phát triển đồng bộ kết hợp việc bảo tồn di tích lịch sử và phát triển hạ tầng du lịch. Các chương trình giới thiệu, quảng bá du lịch cần được thiết kế hấp dẫn, truyền tải được giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của vùng. Đặc biệt, để thu hút du khách, việc nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch với nội đô và vùng lân cận rất quan trọng. Huyện đã đề xuất và phối hợp với các cấp chính quyền sớm triển khai các dự án giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách di chuyển. Huyện cũng có thể phát triển các tour du lịch kết hợp tham quan di tích lịch sử, trải nghiệm làng nghề truyền thống, thưởng thức ẩm thực đặc sản; phối hợp với các trường học tổ chức tham quan, học tập tại các di tích, giúp học sinh, sinh viên hiểu và tự hào về lịch sử quê hương...
Từ góc nhìn của chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết nhận định: Khu Cháy không chỉ là nơi lưu giữ ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn mang giá trị du lịch độc đáo, có thể góp phần phát triển kinh tế địa phương, từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Thủ đô. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử của Khu Cháy không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội để Ứng Hòa xây dựng nền tảng kinh tế vững chắc.
Hy vọng trong tương lai gần, Khu Cháy sẽ thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, lan tỏa chiến công của các thế hệ đi trước và góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.