Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”: Khu Cháy - nơi tên đất, tên làng đi vào lịch sửBài 2: Hiện hữu miền quê đáng sống
Chiến tranh đã lùi xa, đi dọc các xã thuộc Khu Cháy năm xưa, dễ nhận thấy sự đổi thay rõ rệt. Từ mảnh đất bị bom đạn tàn phá, quanh năm đồng lầy nước lụt, bây giờ, cả vùng Khu Cháy đã bát ngát màu xanh của sinh sôi, phát triển.
Nông thôn mới thông minh, hiện đại
Tinh thần cách mạng dường như thấm đẫm vào đất và người nơi đây, trở thành sức mạnh để Khu Cháy vươn lên trên hành trình đổi mới. Kinh tế xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao; đường giao thông được bê tông hóa, nhựa hóa; các dịch vụ, phương tiện, máy móc giúp giải phóng sức lao động. Mừng hơn, làng quê ngày càng khang trang khi “luồng gió” xây dựng nông thôn mới “thổi” về Khu Cháy với nhiều thôn thông minh, thôn kiểu mẫu…
Xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) vốn nghèo khó, bị bom đạn tàn phá trong kháng chiến chống Pháp nay đã “thay da đổi thịt”. Đường làng xưa lầy lội, chật hẹp giờ thênh thang, sạch sẽ, rợp bóng cây xanh, hoa nở. Hai bên đường, nhà cửa khang trang, vườn tược xanh mướt trải dài, hương lúa, hương hoa quyện trong gió, như minh chứng cho quyết tâm làm giàu, làm đẹp quê hương của người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Đình Thuận, Trưởng thôn Quảng Tái (xã Trung Tú) chia sẻ: Chuyện sử dụng thiết bị bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp cứ ngỡ chỉ có trong phim thì nay đã thành hiện thực; việc cày cấy, gặt hái đều 100% cơ giới hóa... Bên cạnh nết cần cù, chịu khó, người dân nơi đây còn không ngừng học hỏi, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biến thử thách thành cơ hội. Trung Tú còn phát triển các ngành nghề thủ công, dịch vụ, tạo thêm việc làm, thu nhập cho bà con.
Khi cuộc sống khấm khá, người dân có điều kiện cùng nhau kiến thiết quê hương. Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước hơn 4 tỷ đồng cho nhà văn hóa thôn, bà con cùng nhau góp thêm hơn 1 tỷ đồng để trồng cây xanh, ghế đá, mua sắm trang thiết bị phòng họp, xây dựng khu vui chơi cho trẻ em, góp kinh phí thuê người trông nom, quét dọn, bảo quản trang thiết bị cho nhà văn hóa luôn an toàn, sạch đẹp. Những tuyến đường hoa dài nối từ xóm này đến xóm khác. Các gia đình cải tạo vườn tược, làm đẹp cổng ngõ, đường làng bằng những bồn hoa đủ màu sắc. Quảng Tái còn dành hàng tỷ đồng, phần lớn từ nguồn xã hội hóa, để xây dựng thôn thông minh - Bà Vương Thị Tuy, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận xã Trung Tú cho biết thêm.
Tương tự, xã Đông Lỗ cũng khởi sắc với hệ thống nhà tầng san sát, cổng nhà, sân vườn, đường làng ngõ xóm sáng, xanh, sạch, đẹp... Khắp các thôn xóm, khu dân cư, người dân sôi nổi tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao.
Chủ tịch UBND xã Đông Lỗ Dương Văn Sửu cho biết: Trước đây, nhiều tuyến đường thôn nhỏ hẹp khiến việc đi lại của bà con không thuận lợi. Sau khi được cán bộ xã, Ban cán sự thôn tuyên truyền, người dân đồng thuận góp tiền, ngày công, hiến đất, chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua rộng khắp... Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến nay của xã đạt hơn 221 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt trên 70 triệu đồng/người/năm, tăng gấp hơn 3 lần so với năm 2011 (18 triệu đồng/người/năm); tỉ lệ hộ nghèo năm 2011 là 23%, nay đã giảm còn 0,63%...
Đến nay, 100% tuyến giao thông nông thôn, đường trục xã, liên xã, giao thông nội đồng ở Đông Lỗ đều được cứng hóa, có hệ thống chiếu sáng, cây xanh, được chăm sóc sạch đẹp. 3/3 trường học của xã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Việc hiến đất mở đường đã tạo được phong trào sâu rộng trong nhân dân, trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới. Trước khi triển khai dự án xây dựng giao thông nông thôn, UBND xã và thôn vận động nhân dân hiến đất, đổi đất để mở rộng đường và 40 hộ dân các thôn Mạnh Tân, Viên Đình, Đào Xá… tự tháo dỡ vỉa hè, mái che, mái vẩy.
Không chỉ ở Trung Tú, Đông Lỗ, nhiều miền quê khác của Khu Cháy như Trầm Lộng, Đồng Tân… cũng đang đổi mới từng ngày. Các phong trào kiến thiết quê hương được triển khai sâu rộng từ nhiều năm qua, hình thành nhiều mô hình tiêu biểu, tạo nên diện mạo nông thôn mới thông minh, hiện đại.
Khẳng định vị thế
Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền chia sẻ: Qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (năm 2012), từ xuất phát điểm thấp, Ứng Hòa từng bước phát triển toàn diện. Toàn huyện hiện có 70 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 13 sản phẩm đạt 4 sao, 57 sản phẩm đạt 3 sao; 3 cụm công nghiệp đang hoạt động; 21/21 làng nghề hoạt động hiệu quả, tiêu biểu như làng nghề sản xuất tăm hương xã Quảng Phú Cầu, làng nghề may áo dài Trạch Xá (xã Hòa Lâm)… 100% tuyến giao thông nông thôn được xây mới và cải tạo nâng cấp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. 84/90 trường học đạt chuẩn quốc gia; 29/29 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 145/145 thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa.
Đến cuối năm 2023, Ứng Hòa đã có 28/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 9/28 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (21,42%), trong đó 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu (10,7%), thị trấn Vân Đình được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Năm 2023, huyện Ứng Hòa được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.
Có thể khẳng định, kinh tế của Ứng Hòa đang phát triển theo hướng bền vững; diện mạo nông thôn, thị trấn không ngừng đổi mới, khang trang; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Năm 2023, thu nhập bình quân của huyện đạt 68,2 triệu đồng/người, gấp hơn 5,5 lần so với năm 2010. Số hộ nghèo giảm mạnh, đến nay, toàn huyện chỉ còn 2 hộ nghèo...
Trong 70 năm qua, thành tựu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Ứng Hòa đạt được là vô cùng to lớn. Cuộc sống con người cùng cảnh sắc quê hương ngày thêm tươi mới. Với khát vọng góp phần xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, thực hiện định hướng Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ứng Hòa tiếp tục phát huy truyền thống để đạt những thành tựu mới.
Về định hướng phát triển, theo Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết, Ứng Hòa nằm trong quy hoạch trục không gian phát triển phía Nam của thành phố Hà Nội kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh huyện Mỹ Đức và tỉnh Hà Nam. Đây là yếu tố quan trọng để Ứng Hòa đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật nông thôn trên địa bàn. Đó là thời cơ, thuận lợi to lớn, song để đạt hiệu quả tối ưu, đòi hỏi toàn huyện tiếp tục đoàn kết, chung sức, biến tiềm năng, lợi thế thành hành động để Ứng Hòa luôn là niềm tự hào trong mỗi người con quê hương.
(Còn nữa)