Tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Trung Đông:Chồng chất trở ngại
Bất chấp những nỗ lực hóa giải các rào cản nhằm nối lại đàm phán tìm kiếm lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza, hàng loạt diễn biến “nóng” trên thực địa tiếp tục "đổ dầu vào lửa". Chồng chất trở lực khiến kỳ vọng về khả năng giảm căng thẳng và xuống thang xung đột tại Trung Đông ngày càng xa vời.
Sau các thảo luận trù bị diễn ra trong hai ngày 23 và 24-8, Ai Cập ngày 25-8 tiếp tục chủ trì vòng đàm phán gián tiếp mới, với kỳ vọng phá vỡ bế tắc trong nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza và thỏa thuận trao đổi con tin. Lần đàm phán mới này được thông báo sẽ xoay quanh đề xuất do Mỹ bảo trợ, là bước đi mới nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế sau khi những đàm phán tương tự tại Doha (Qatar) hồi tuần trước lâm vào bế tắc.
Đề xuất bao gồm một lệnh ngừng bắn kéo dài 6 tuần, thả nhiều con tin Israel và tù nhân Palestine, rút lực lượng Israel khỏi các trung tâm dân cư lớn ở Gaza. Tuy nhiên, đề xuất vẫn tồn tại một trở ngại lớn, đó là việc duy trì sự hiện diện quân sự của Israel dọc theo Hành lang Philadelphi - một vùng đệm hẹp trên biên giới Ai Cập - Gaza mà Israel và Ai Cập thiết lập để ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí vào Gaza từ Bán đảo Sinai (Ai Cập).
Tại cuộc thảo luận trù bị nói trên, phái đoàn Israel đã trao cho Ai Cập bản đồ các điểm đồn trú quân đội dọc theo hành lang Philadelphi. Động thái này tái khẳng định mong muốn duy trì sự hiện diện quân sự của Tel Aviv, đồng nghĩa là bế tắc chính ngăn cản tiến tới lệnh ngừng bắn khó có thể giải quyết trong “một sớm, một chiều”. Chưa kể, việc tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch quân sự tại Gaza cũng khiến Israel hứng chịu chỉ trích rằng, họ đang cố gắng “phá vỡ các cơ hội ngừng bắn”.
Về phần mình, Hamas đến nay vẫn bảo lưu quan điểm, bất kỳ thỏa thuận nào đạt được phải bao gồm việc Israel rút quân hoàn toàn khỏi Gaza, trong đó có hành lang Philadelphi và những người di tản được trở về nhà. Thực tế, lực lượng này tuy có cử một phái đoàn đến Cairo nhưng tuyên bố sự hiện diện chỉ để “nhận thông báo về tiến bộ trong đàm phán”, chứ không tham gia trực tiếp vào các tranh luận mà họ đã tuyên bố tẩy chay.
Những trở ngại đối với khả năng đạt được một lệnh ngừng bắn chưa dừng ở đó. Theo giới quan sát, “hòn đá tảng” mới đã rơi xuống khi Hezbollah ở Lebanon đúng ngày 25-8, mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Israel. Lực lượng này phóng hơn 320 tên lửa Katyusha về phía quốc gia Do Thái, tuyên bố đây mới chỉ là "giai đoạn đầu tiên" trong chuỗi trả đũa vụ ám sát chỉ huy Fuad Shukr của họ trước đó. Đáp lại, Israel cùng ngày cũng tấn công vào Lebanon, nhằm ngăn chặn những cuộc tập kích quy mô lớn hơn của Hezbollah.
Theo các nhà quan sát, leo thang xung đột giữa Israel và Hezbollah không chỉ tạo ra "hòn đá tảng" trong tiến trình đàm phán ngừng bắn Israel - Hamas, mà còn dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, có khả năng liên quan đến cả Mỹ và Iran. Đó là chưa kể tới việc Trung Đông lúc này còn đang “nín thở” chờ một cuộc trả đũa của Iran đối với Israel sau vụ ám sát nhà lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran. Tuy nhiên, Iran trước mắt vẫn cho biết, sẽ trì hoãn quyết định tấn công chừng nào các cuộc đàm phán về hòa bình ở Gaza còn diễn ra. Nước này cũng nêu rõ mong muốn tránh một cuộc chiến rộng lớn hơn với Israel, dù vẫn khẳng định phải có hành động cụ thể để “khôi phục mức độ răn đe” với các đối thủ.
Hy vọng lớn nhất lúc này là những nỗ lực trung gian có thể sớm dẫn đến một giải pháp hài hòa, mở đường cho các bên xuống thang căng thẳng, tạo ra tiền đề cần thiết, thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn. Trong cuộc điện đàm mới nhất, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục kêu gọi các bên liên quan thể hiện sự linh hoạt nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Trao đổi với Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty cũng bày tỏ kỳ vọng đạt được lệnh ngừng bắn và thỏa thuận trao đổi con tin giữa Israel và Hamas để ngăn bạo lực và xung đột leo thang trong khu vực.
Khi mâu thuẫn giữa các bên chưa thể hóa giải trong "một sớm, một chiều" thì chấm dứt bạo lực là mục tiêu cần khẩn trương đạt được. Điều này đặc biệt quan trọng khi hàng triệu người Palestine di tản đang bị nhồi nhét vào một khu vực ngày càng thu hẹp với nguồn cung thực phẩm và nước uống vô cùng thiếu thốn. Theo cơ quan y tế Gaza, đã có hơn 40.000 người trong khu vực thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bùng phát.