Đề xuất quy định tốc độ thiết kế của đường bộ
Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29-8-2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ), được ban hành để hướng dẫn thực hiện chi tiết Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Đến nay, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã được thay thế bằng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 và Luật Đường bộ số 35/2024/QH15, hai luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Vì vậy, cần ban hành Thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ (thay thế Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ngày 29-8-2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải) để kịp thời hướng dẫn thực hiện hai luật khi có hiệu lực vào ngày 1-1-2025. Theo Bộ Giao thông vận tải, về cơ bản, nội dung và bố cục của dự thảo Thông tư không thay đổi nhiều so với Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT; dự thảo đề xuất cập nhật căn cứ ban hành và sửa đổi một số nội dung cho phù hợp quy định mới tại 2 luật thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đồng thời đề xuất bổ sung thêm một số nội dung nhằm thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đường bộ về tốc độ thiết kế của đường bộ.
Theo dự thảo, tốc độ thiết kế đường ô tô cao tốc được phân làm 3 cấp như sau: Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/giờ; cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/giờ; cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/giờ; đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng, an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/giờ. Tốc độ thiết kế đường ô tô trong phạm vi đô thị được xác định theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật công trình giao thông được cấp thẩm quyền ban hành.