Bài tham dự Cuộc thi viết “Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào” - Dấu ấn sáng tạo từ “chứng tích” lịch sử, văn hóa:Bài cuối: Hiện thực hóa tầm nhìn
Thành phố Hà Nội luôn quan tâm phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó, hệ thống di sản là nguồn lực quan trọng.
Để vừa khai thác hiệu quả nguồn lực này, vừa giữ gìn giá trị văn hóa, lịch sử và tạo lợi ích kinh tế, cần có chiến lược rõ ràng, sự đầu tư bài bản và cách thức sáng tạo mang tầm thời đại. Nhiều chuyên gia văn hóa, du lịch, kiến trúc đã góp tiếng nói về vấn đề này.
Chủ tịch Chi hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng:
Bài học thành công từ du lịch đêm
Hà Nội sở hữu hệ thống di tích lịch sử cách mạng, di sản kiến trúc, di sản công nghiệp phong phú, có giá trị cao, có thể coi là “chứng tích lịch sử” ghi dấu một thời đấu tranh, kiến thiết, phát triển Thủ đô. Ngày nay, phát huy giá trị những di tích, công trình này như thế nào để biến di sản thành tài sản mang giá trị kinh tế cao là công việc mang tính thách thức, nhưng không phải là không làm được.
Những năm qua, một số di tích, di sản kiến trúc đã trở thành không gian sáng tạo hấp dẫn, là mô hình điểm cho nhiều địa phương khác học tập. Điển hình như di tích Nhà tù Hỏa Lò - chứng tích lịch sử quan trọng của Hà Nội, một điểm sáng về khai thác giá trị di sản, phát triển không gian sáng tạo hấp dẫn.
Kể từ khi ra mắt vào cuối năm 2020, đến nay, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã xây dựng 3 phiên bản tour đêm phù hợp với nhiều đối tượng du khách. Mô hình sáng tạo ở đây thành công đến mức, để mua được vé tour đêm vào cuối tuần, du khách phải “đặt hàng” trước cả tháng.
Một số điểm đến khác như khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn... đều có sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn và có dấu ấn riêng, thường xuyên thu hút một lượng lớn du khách tham quan, trải nghiệm.
Tôi cho rằng, đó là những không gian sáng tạo mang lại sức sống cho các di sản. Đây cũng là bài học có thể triển khai ở nhiều di tích, di sản khác để đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa cũng như kinh tế đêm của Hà Nội.
Hiện nay, nhiều di sản kiến trúc, di sản công nghiệp của Hà Nội có thể tái tạo thành những không gian sáng tạo về đêm, nơi biểu diễn các chương trình nghệ thuật hấp dẫn. Điều quan trọng là Hà Nội phải có chính sách rõ ràng trong quy hoạch và kêu gọi đầu tư.
Giáo sư, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính:
Cần quy hoạch rõ tầm nhìn
Hà Nội không thiếu nguồn lực di sản để phát triển các không gian sáng tạo, xây dựng những sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn. Tuy nhiên, để khai thác nguồn lực này đúng hướng, cần có tầm nhìn về quy hoạch. Với các di sản văn hóa, di tích lịch sử - cách mạng, công tác quản lý, khai thác cần được thực hiện theo Luật Di sản để phát huy di sản nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu bảo tồn.
Các di sản công nghiệp là tiềm năng rất lớn để phát triển không gian sáng tạo mới cho Thủ đô. Tuy nhiên, cũng phải nhìn vào thực tế của những đô thị lớn trước sức ép về tốc độ phát triển, dân số tăng cùng nhiều đòi hỏi khác, nên những di sản công nghiệp buộc phải chuyển công năng, sử dụng ở những mục đích khác nhau.
Hà Nội cần rà soát, đánh giá lại hệ thống di sản công nghiệp trên địa bàn, từ đó đề ra quy hoạch mang tầm nhìn chiến lược cho các di sản này. Nơi nào buộc phải di dời, dành quỹ đất cho phát triển các công trình; nơi nào nên giữ lại để chuyển đổi thành không gian sáng tạo, thực hiện các dự án phát triển văn hóa, thu hút du lịch, từ đó có chính sách và chiến lược thu hút đầu tư để đẩy mạnh các dịch vụ xứng tầm với cuộc sống hiện đại.
Công cuộc xây dựng đô thị hiện đại cần phải song hành với phát triển văn hóa và con người. Để thực hiện điều đó, Hà Nội cần có cơ chế riêng trong công tác quản lý, vận hành và sử dụng các nguồn lực hiện có. Tôi hy vọng, Luật Thủ đô (sửa đổi) đi vào cuộc sống, trong đó có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên, vượt trội về phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa, sẽ là cơ sở để Hà Nội có thể hiện thực hóa những quy hoạch mang tầm nhìn xa.
Giám đốc Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn:
Tăng không gian sáng tạo, trải nghiệm tại các di tích
Là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý một số di tích lịch sử, cách mạng trên địa bàn Hà Nội, những năm qua, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội luôn trăn trở về cách thức sáng tạo tại không gian di tích để tăng trải nghiệm cho du khách, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Đầu năm 2024, tour đêm “Ngọc Sơn - Đêm huyền bí” ra mắt. Với giá trị sáng tạo về trình diễn ánh sáng, sắp đặt bán thực cảnh..., “Ngọc Sơn - Đêm huyền bí” trở thành sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn. Đến nay, tour này vẫn duy trì tần suất mỗi tuần 2 buổi diễn, mỗi buổi 3 - 4 suất diễn.
Chúng tôi dự kiến thực hiện phiên bản 2 của tour này trong năm nay để tạo thêm trải nghiệm mới. Hiện, chúng tôi cũng lập dự án sáng tạo tại Di tích quốc gia “Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12-1946” - nơi Bác Hồ viết "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" (làng Vạn Phúc, quận Hà Đông). Di tích này vẫn tổ chức hoạt động trưng bày, nhưng chúng tôi muốn nơi đây trở thành một không gian sáng tạo, trải nghiệm mới cho du khách vào cả ban ngày và tối với nhiều hoạt động hấp dẫn hơn.
Việc sáng tạo trong không gian di sản gặp không ít khó khăn, nhất là về nguồn lực đầu tư. Bởi vậy, ngoài nỗ lực của cơ quan quản lý, cần có cơ chế, chính sách rõ ràng, cởi mở, khả thi về thúc đẩy hợp tác công - tư.
Ông Trương Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thành phố Hà Nội:
Cần có sự kết nối chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và nhà sáng tạo
Trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội đã xác định 13 hạng mục, lĩnh vực phải tập trung thực hiện, nhưng có định hướng cho từng thời kỳ. Yêu cầu đặt ra với phát triển công nghiệp văn hóa là bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thực tế, các sản phẩm du lịch văn hóa, không gian sáng tạo thời gian qua đã bám tương đối sát yêu cầu này.
Trong tương lai, Hà Nội cần thêm nhiều không gian văn hóa sáng tạo. Việc kiến tạo không gian sáng tạo mới dựa trên tiềm năng di sản công nghiệp giúp Hà Nội chuyển mình trong dòng chảy phát triển công nghiệp văn hóa. Trong quá trình thực hiện, không tránh khỏi sự va vấp, khó khăn vì có những điều không lường trước được, hoặc có những rào cản. Vì vậy, cần hình thành mô hình kết nối giữa Nhà nước, nhà đầu tư và nhà sáng tạo để tạo ra sự chuyển động thực sự đồng bộ, hiệu quả, không chệch mục tiêu, định hướng đề ra.