Sức khỏe

Giảm cân với các loại nước ép có ảnh hưởng đến sức khỏe?

Bảo Ngọc 25/08/2024 - 09:52

Trào lưu giảm cân bằng nước ép từ các loại rau, củ như tía tô, cần tây, rau má, rau bó xôi, cà rốt... đang được ưa chuộng, bởi so với dùng các loại thuốc giảm cân, nước ép từ rau củ chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu lạm dụng các loại nước ép có thể gây hại cho sức khỏe.

nuoc-ep.jpg
Nước ép rau, củ, quả không thể thay thế hoàn toàn cho nước lọc hay uống “trừ bữa”.

7 ngày “hoa mắt” với nước ép rau, củ, quả

Cơ chế giảm cân của phương pháp uống nước ép từ rau, củ, quả là giúp mọi người có cảm giác no lâu, hạn chế calo nạp vào. Việc giảm cân, tiêu thụ mỡ thừa phụ thuộc vào sự thâm hụt calo (năng lượng nạp vào thấp hơn tiêu hao), trong khi đó các loại nước ép rau củ nếu không pha thêm đườngthì lượng calo rất ít. Ngoài ra, nước ép từ rau, củ, quả có chứa chất chống oxy hóa có lợi cho cơ thể, vừa giúp giảm cân lại làm đẹp da.

Tuy nhiên, thay vì xây dựng chế độ ăn uống hợp lý kết hợp với tập luyện thể dục đều đặn, nhiều người lại lạm dụng các loại nước ép này để đẩy nhanh quá trình giảm cân. Thực đơn chỉ dùng nước ép “trừ bữa”, không ăn uống bất cứ loại thực phẩm nào được không ít chị em áp dụng với thời gian từ 3 ngày, 5 ngày đến 7 ngày... Do thừa cân nặng nhưng lại ngại tập thể dục, chị Nguyễn Thanh Nguyên (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sử dụng các loại nước ép từ rau củ quả trong đúng một tuần. Chị Nguyên chia sẻ: “Thực đơn áp dụng là chỉ uống nước ép kết hợp với sữa hạt thay cho 3 bữa trong ngày và không ăn bất cứ loại thực phẩm nào. Quả thật, một tuần chỉ uống nước ép khiến tôi hoa mắt, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi. Cân nặng giảm được đáng kể nhưng khi quay về chế độ ăn uống bình thường thì cũng nhanh chóng tăng trở lại”.

Nhiều người thường cho rằng rau xanh cung cấp hàm lượng chất xơ cao tốt cho hệ tiêu hóa nên thích sử dụng nước ép rau mà quên mất rằng công thức nước ép giảm cân từ rau xanh kết hợp củ, quả lại nghèo chất xơ. Do đó, việc lạm dụng giảm cân bằng cách chỉ uống nước ép “trừ bữa” sẽ gây mất cân bằng dinh dưỡng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Các thực đơn giảm cân như vậy hoàn toàn không phải là cách ăn kiêng lành mạnh và bền vững. Nước ép rau, củ, quả chỉ nên được bổ sung vào thực đơn hằng ngày như một loại đồ uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe, có thể thay thế các loại đồ uống nhiều calo khác.

Những sai lầm trong chế biến nước ép

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Hà Nội) cho biết: “Nhiều bệnh nhân đã gặp các vấn đề liên quan tới dinh dưỡng, đường huyết sau khi lạm dụng giảm cân với nước ép. Trong đó các sai lầm chủ yếu là uống nước ép rau củ quả thay nước lọc hằng ngày, chế biến sẵn hàng lít nước ép để trong tủ lạnh uống dần... Thực tế việc sử dụng bất kỳ sản phẩm nào cũng cần theo nguyên tắc đúng và đủ; tránh dùng nước ép rau trái cây khi bụng đói, đặc biệt với những người có vấn đề về đường tiêu hóa như đau dạ dày... Nước ép không thể thay thế được trái cây và rau củ, nên khuyến khích ăn cả múi, miếng. Bên cạnh uống nước ép, chúng ta cũng đừng quên bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống hằng ngày”.

Một sai lầm khác dễ xảy ra là việc chế biến nước ép không đúng cách, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có thể làm thay đổi hương vị của đồ uống, gây hại đến hệ tiêu hóa. Một số loại rau khi được ép sống mà không rửa sạch rất dễ nhiễm ký sinh trùng. Các loại rau trồng dưới nước hoặc dưới đất bị ô nhiễm, sử dụng nước thải ô nhiễm và phân tươi để bón có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng khá cao. Do đó, khi lựa chọn các loại rau kết hợp với trái cây làm nước ép cần chọn nguồn cung rau có xuất xứ rõ ràng.

Trong quá trình chế biến làm sạch rau củ, cần loại bỏ các phần hư thối, rửa sạch dưới vòi nước nhiều lần, để ráo nước trước khi ép. Các vật dụng làm nước ép cần được vệ sinh sạch sẽ trước khi sử dụng. Nhiều người có thói quen ép nước rau, củ, trái cây với số lượng lớn rồi cất trong tủ lạnh dùng dần trong vài ngày, điều này vô tình làm các vitamin và khoáng chất bị giảm đi ít nhiều hoặc có thể gây rối loạn tiêu hóa khi sử dụng. Nước ép rau, củ, quả không thể thay thế hoàn toàn cho nước lọc hay uống “trừ bữa” bởi phần lớn nước ép đều cung cấp một lượng đường nhất định cho cơ thể, nếu uống thay nước lọc hàng ngày có thể dẫn đến tiểu đường.