Tài chính

Áp dụng thuế bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu: Những điều doanh nghiệp cần lưu ý

Hương Thủy 25/08/2024 09:15

Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa có thư ngỏ gửi các doanh nghiệp về triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2023/QH15 ngày 29-11-2023 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Trong đó, đề nghị doanh nghiệp chủ động thông báo tới công ty mẹ tối cao của tập đoàn về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tại Việt Nam từ năm 2024, từ đó có thông tin về doanh thu trên báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao để xác định doanh nghiệp có thuộc đối tượng áp dụng Nghị quyết 107/2023/QH15 hay không.

doanh-nghiep-nuoc-ngoai.jpg
Nhiều nhà máy sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài đặt tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

Lưu ý về chính sách thuế mới

Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu của Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2024, áp dụng từ năm tài chính 2024 đối với đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính, xem xét tương đương mức 750 triệu euro trở lên trừ một số trường hợp theo quy định. Mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15%.

Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, Nghị quyết quy định hai nội dung về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung. Thứ nhất, quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) áp dụng cho đơn vị hợp thành hoặc tập hợp các đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Thứ hai, quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) áp dụng cho công ty mẹ tối cao, công ty mẹ bị sở hữu một phần, công ty mẹ trung gian tại Việt Nam là đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia, nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp quyền sở hữu đơn vị hợp thành chịu thuế suất thấp tại nước ngoài theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.

Theo quy định tại Nghị quyết, tập đoàn đa quốc gia có nhiều hơn 1 đơn vị hợp thành tại Việt Nam thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tập đoàn đa quốc gia có văn bản thông báo chỉ định một trong những đơn vị hợp thành tại Việt Nam nộp tờ khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung của tập đoàn theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu. Trường hợp hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tập đoàn đa quốc gia không thông báo chỉ định đơn vị hợp thành tại Việt Nam nộp tờ khai và nộp thuế thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải thông báo, cơ quan thuế chỉ định đơn vị hợp thành tại Việt Nam nộp tờ khai và nộp thuế.

Doanh nghiệp nên chủ động thực hiện

Thông tin cụ thể hơn, Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, người nộp thuế phải nộp tờ khai thông tin theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu và tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung kèm theo bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính. Thời hạn nộp tờ khai và nộp thuế đối với QDMTT là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính, đối với IIR là 18 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính đầu tiên tập đoàn thuộc đối tượng áp dụng và 15 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính tiếp theo.

Số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 cho thấy, Tổng cục Thuế tính toán sơ bộ có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn và số thuế bổ sung ước tính thu được khoảng 14.600 tỷ đồng. Cũng theo tính toán sơ bộ dựa trên số liệu quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, nếu Việt Nam áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR), sẽ có 6 tập đoàn tại Việt Nam thuộc đối tượng áp dụng; số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung Việt Nam có thể thu được dự kiến khoảng gần 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng quy định bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn).

Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, Bộ Tài chính đã phân công Tổng cục Thuế là đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết Nghị quyết số 107/2023/QH15. Thời hạn trình Chính phủ ban hành là trước ngày 31-10-2024. Vì vậy, để bảo đảm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 107/2023/QH15 và Nghị định quy định chi tiết, bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp, tránh các sai sót trong quá trình kê khai và nộp thuế theo quy định, Cục Thuế thành phố Hà Nội đề nghị doanh nghiệp chủ động thông báo tới công ty mẹ tối cao của tập đoàn về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung trên tại Việt Nam từ năm 2024, từ đó có thông tin về doanh thu trên báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao để xác định doanh nghiệp có thuộc đối tượng áp dụng Nghị quyết số 107/2023/QH15 hay không. Sau khi đã xác định được doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng, trường hợp tập đoàn có nhiều đơn vị hợp thành tại Việt Nam, doanh nghiệp thông báo tới công ty mẹ tối cao của tập đoàn để xem xét, chỉ định 1 đơn vị hợp thành thực hiện kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo Nghị quyết số 107/2023/QH15.

Trường hợp doanh nghiệp xác định thuộc đối tượng áp dụng Nghị quyết, có thể liên hệ với Cục Thuế thành phố Hà Nội nhằm trao đổi, cung cấp thêm các thông tin cụ thể để đánh giá tác động của Nghị quyết số 107/2023/QH15 đối với doanh nghiệp.