Bị kẻ mạo nhận “ doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn và có uy tín tại Pakistan” lừa, một công ty mất 5.000 USD đặt cọc
Một công ty Việt Nam đã bị lừa đặt cọc 5.000 USD để nhập khẩu nguyên liệu chế biến thủy sản. Cơ quan chức năng khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cẩn trọng khi giao thương với nước ngoài trước thủ đoạn lừa đảo mới này.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, một công ty của Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu chế biến thủy sản xuất khẩu, đã nhận được thư chào hàng nguyên liệu thủy sản chất lượng cao với giá hấp dẫn từ khách hàng X (Pakistan) là đại diện của Công ty Y (Pakistan) hồi tháng 5-2024.
Sau khi kiểm tra thông tin của Công ty Y theo địa chỉ website và đánh giá đây là một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn và có uy tín tại Pakistan, công ty của Việt Nam đã ký hợp đồng và chuyển 5.000 USD tiền đặt cọc. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền đặt cọc, khách hàng X không giao hàng theo thời hạn hợp đồng và cũng không trả lời rõ ràng các câu hỏi của doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Cục An toàn thông tin, với hình thức lừa đảo trên, thủ đoạn của các đối tượng là mở tài khoản mạo danh các công ty có thật tại nước ngoài, liên hệ với các công ty, doanh nghiệp thương mại có nhu cầu xuất nhập khẩu tại Việt Nam để giao dịch. Đối tượng sử dụng những chiêu trò tinh vi, giả mạo chuyên nghiệp để lừa các doanh nghiệp tại Việt Nam ký hợp đồng, đồng thời đặt cọc tiền.
Để lấy được lòng tin của nạn nhân, đối tượng làm giả các giấy tờ như bản sao B/L (chứng từ chuyên chở hàng hóa bằng đường biển), bản sao giấy chứng nhận chất lượng, bản sao giấy chứng nhận xuất xứ... Tuy nhiên, sau khi nhận tiền đặt cọc từ phía doanh nghiệp Việt Nam, đối tượng biến mất, xóa sạch mọi dấu vết nhằm chiếm đoạt tài sản.
Vì vậy, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần tuyệt đối cẩn trọng khi thực hiện bất cứ giao dịch nào trên thị trường quốc tế. Trước khi giao dịch, hãy kiểm tra kỹ lưỡng thông tin về đối tác, sử dụng các dịch vụ tra cứu uy tín, như các cơ quan thương mại quốc tế hoặc tổ chức tín dụng, để xác nhận tính hợp pháp của doanh nghiệp và đối tác kinh doanh.
Các doanh nghiệp cần bảo đảm rằng tất cả thỏa thuận và giao dịch được ghi rõ trong hợp đồng bằng văn bản, gồm chi tiết về điều khoản thanh toán, vận chuyển, chất lượng hàng hóa và các quyền lợi của các bên. Các doanh nghiệp cần tham khảo ý kiến từ luật sư quốc tế chuyên nghiệp và uy tín nếu cần thiết. Cẩn thận với các yêu cầu không thường xuyên hoặc không rõ ràng từ đối tác, như yêu cầu chuyển tiền qua các kênh không chính thống hoặc yêu cầu thông tin nhạy cảm.